16 tháng 10 2011

PHÂN TÍCH TƯƠNG GIAO
BS. NGUYỄN MINH TIẾN
Phân tích Tương giao (T.A. - Transactional Analysis) vẫn thường được xếp lọai thuộc vào nhóm các trường phái phân tâm kiểu mới (neo-analytic), ngay cả khi Eric Berne, người đã bắt đầu xây dựng học thuyết T.A. vào năm 1954, đã phủ nhận sự liên hệ giữa T.A. với học thuyết Freud chính thống. Mặc dù T.A. có sự khác biệt về nhiều mặt với quan điểm phân tâm cổ điển, nhưng cũng có chút vấn đề là một số khái niệm trong T.A. đã xuất phát từ tư tưởng của Freud. Ví dụ Harry Stack Sullivan, một nhà phân tâm kiểu mới, đã có những ý tưởng cơ bản về các tương tác liên cá nhân, và những ý tưởng này đã được chấp nhận rộng rãi trong trường phái T.A. 
 
T.A., trong phần lớn trường hợp, là một phương thức làm việc với những cá nhân bên trong bối cảnh làm việc theo nhóm. Nhà trị liệu vì thế nên có một số kiến thức về phương pháp làm việc theo nhóm (group work) trước khi cố gắng áp dụng các phương pháp của T.A. vào trị liệu tâm lý. Những nguyên lý cơ bản trong học thuyết về nhân cách của T.A. có thể giúp ta hiểu được những yếu tố động lực học (dynamics) của các thân chủ, và các kiến thức đó cũng có thể hữu ích trong thực hành tâm lý trị liệu cá nhân.
T.A. là phương pháp trị liệu thoát thai từ quá trình thực hành của Eric Berne. Berne tin rằng mỗi cá nhân là một phức hợp của nhiều thực thể riêng biệt, mà mỗi thực thể ấy lại có những khuôn mẫu riêng về hành vi, lời nói và vận động khác nhau. Mỗi một trong số những thực thể ấy sẽ phụ trách kiểm soát con người vào những thời điểm khác nhau. Berne gọi những thực thể này là những “trạng thái cái Tôi” (ego states), và đây chính là khái niệm cốt lõi trong học thuyết T.A.
HỌC THUYẾT VỀ NHÂN CÁCH
Cấu trúc của nhân cách
Berne (1966) khẳng định trong mỗi con người có sự hiện diện của ba trạng thái cái Tôi, mà ông gọi tên là “cái Tôi Cha Mẹ” (P – Parent), “cái Tôi Người Lớn” (A – Adult) và “cái Tôi Trẻ Em” (C – Child). Mỗi trạng thái cái Tôi P, A và C đều có những khuôn mẫu riêng về điệu bộ, thể thức và lời nói. Mỗi trạng thái cái Tôi có khả năng đảm trách việc chi phối tâm trí con người ở từng thời khỏang nhất định. Trạng thái cái Tôi nào đang ở vị thế kiểm sóat thì cá nhân con người đó sẽ thể hiện những hành vi và lời nói liên quan đến tính chất của trạng thái cái Tôi ấy. Trường phái T.A. khẳng định rằng mặc dù có một số liên hệ giữa các khái niệm của Freud về cái Ấy, cái Tôi và cái Siêu Tôi với khái niệm ba trạng thái cái Tôi C, A và P của T.A., nhưng thực ra chúng có ý nghĩa hòan tòan khác hẳn. Đúng là khi so sánh ta có thể thấy cái Ấy và cái Tôi C đều có liên quan đến sự hưởng lạc; cái Tôi (theo Freud) và cái Tôi A đều liên quan đến khả năng kiểm định thực tại; cái Siêu Tôi và cái Tôi P về mặt nào đó đều đóng vai trò kiểm sóat các thành phần khác của nhân cách. Tuy nhiên, cái trạng thái cái Tôi P, A và C trong học thuyết T.A. đều thể hiện dưới hình thức những hành vi thực tế có thể quan sát được, chứ không phải là sự ngụ ý chỉ những cấu trúc về tâm lý như ba “ngôi” trong nhân cách theo quan điểm của Freud.
Theo Berne, “Cái Siêu Tôi, cái Tôi và cái Ấy đều là những khái niệm dựa trên sự suy luận; trong khi các trạng thái cái Tôi thì là những thực tại có tính xã hội và có thể trải nghiệm được” (Berne, 1966). Tóm lại, khi một người đang trong trạng thái cái Tôi A, những người khác sẽ quan sát thấy người này thể hiện những tính chất của một người trưởng thành. Một khác biệt trong các khái niệm của Freud và Berne là ở chỗ: trọng tâm của tư duy theo kiểu phân tâm học là ở tầng vô thức, còn trường phái T.A. thì chú trọng đến những hành vi có ý thức và có thể quan sát được.
Cái Tôi Trẻ Em (Child ego state)
“Trạng thái cái Tôi Trẻ Em là một hệ thống các khuôn mẫu về cảm xúc, thái độ và hành vi hiện diện như những vết tích của thời thơ ấu của một con người” (Berne, 1976). Cái Tôi C của mỗi người lại bao gồm ba thành phần: đứa trẻ tự nhiên (Natural Child), đứa trẻ thích nghi (Adapted Child) và vị “giáo sư nhỏ” (Little Professor).
Đứa trẻ tự nhiên là thành phần chứa đựng những tính chất trẻ con, xung động, chưa được thuần dưỡng và dễ có khuynh hướng giải bày theo cảm xúc. Đứa trẻ thích nghi là thành phần được tạo lập khi đứa trẻ tương tác với bố mẹ và có tính kiểm soát tốt hơn. “Giáo sư nhỏ” chính là tiền thân của tính cách lập luận, lý lẽ theo kiểu người lớn.
Cái Tôi C là thành phần có tính bắt buộc trong sự phát triển bình thường, vì đây chính là nền tảng mà từ đó mỗi cá nhân sẽ xây dựng nên ý niệm về bản ngã của chính mình. “Điều quan trọng là mỗi người phải hiểu biết về cái Tôi trẻ em của chính mình, không chỉ vì nó sẽ đi cùng với bản thân mình suốt cả cuộc đời, mà còn vì đó là thành phần có giá trị nhất trong nhân cách của chúng ta” (Berne, 1972). Ở một người trưởng thành, cái Tôi C của người ấy sẽ đại diện cho mức độ phát triển của một đứa trẻ ở khoảng 7 tuổi. Đây là một thành phần quan trọng ở những người lớn trưởng thành, vì nhờ đó mà một con người có thể thực sự trải nghiệm được những niềm vui thú trong cuộc sống.
Tính tự nhiên, sự sáng tạo, vẻ quyến rũ và vui tươi là những đặc trưng của trạng thái cái Tôi Trẻ Em. Một người khi đang vận hành cái Tôi C sẽ có khuynh hướng sử dụng những ngôn từ kiểu trẻ em như “Ồ”, “Ái chà”… và những hành vi của người ấy sẽ có tính náo nhiệt, họat bát và khó dự đóan. Xã hội thường có những tác động hạn chế sự thể hiện cái Tôi C ở người lớn, do vậy những người trưởng thành thường phải tìm kiếm và tạo ra những tình huống để họ có thể bộc lộ ra được những hành vi như thế. Hoạt động thể thao và tiệc tùng, vui chơi là hai loại tình huống cho phép những hành vi thuộc loại này có thể được biểu lộ, và đó cũng là lý do chính yếu cho sự tồn tại của chúng.
Bởi vì cái Tôi C được hình thành sớm hơn cả, trước khi có sự hình thành đầy đủ vốn từ vựng, cho nên phần lớn những gì chứa đựng trong cái Tôi C là những cảm xúc. Phần nhiều trong số đó là những cảm xúc tươi vui, phấn khởi, xuất phát từ những trải nghiệm thuở thơ bé như khi tập chơi tung ném banh hoặc khi lần đầu tiên nhìn thấy một con bướm… Đây là những cảm xúc và trải nghiệm của “đứa trẻ tự nhiên”.
Mặt khác, đứa trẻ mà ban đầu đã phải sống lệ thuộc và bất lực, cũng có thể bị mắc kẹt giữa một bên là nhu cầu cá nhân muốn khám phá, muốn trải nghiệm những vui thú, muốn hành động, muốn hiểu biết và một bên là những đòi hỏi và giới hạn của môi trường bên ngòai, chủ yếu là của bố mẹ. Đó chính là những thời điểm của sự hụt hẫng, khi mà một đứa trẻ phải từ bỏ một số hành vi mang lại niềm vui cho nó để làm điều khác mà bố mẹ hài lòng. Tiến trình dưỡng dục gây nhiều hụt hẫng đã tạo nên một sản phẩm phụ nổi trội ở trẻ, đó chính là những cảm xúc tiêu cực. Và những con người nhỏ bé kia đã sớm có kết luận về bản thân mình: “I’m not OK” (Harris, 1969). Đây chính là quá trình hình thành nên “đứa trẻ thích nghi”.
Thành phần thứ ba của cái Tôi C tức là vị “Giáo sư nhỏ” là kết quả từ những cố gắng của đứa trẻ khi tìm cách tự mình lý giải các sự việc xảy ra trong đời sống. Và nó trở thành một bộ phận của cái Tôi C với những tính chất có giá trị, trực giác và sáng tạo.
Cái Tôi Cha Mẹ (Parent ego state)
Cái Tôi P chủ yếu được hình thành vào khỏang thời gian đứa trẻ vào học lớp Một, tuy nhiên, không giống như cái Tôi C, cái Tôi P vẫn tiếp tục được điều chỉnh để thích ứng trong suốt cả đời sống khi con người tương tác với những người có quyền uy hơn mình. Tiến trình này là cực kỳ quan trọng vì những thông tin chứa đựng trong cái Tôi P phải được điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh sống hiện tại của cá nhân mỗi người. Tiến trình cập nhật này chỉ có thể xảy ra nếu cái Tôi P vận hành linh hoạt và có tính xây dựng, đồng thời cái Tôi A của người đó cũng ở tình trạng vận hành đầy đủ.
Các hành vi của cái Tôi P thường có tính chất đặc trưng là quyết đoán và không cần lý lẽ. Hành vi và suy nghĩ đều dựa trên cơ sở là những mệnh lệnh được đặt ra cho cá nhân mỗi người hồi còn thơ bé, mà những mệnh lệnh ấy đã dần dần được hợp nhất vào trong cái Tôi P của người đó. Hầu hết những mệnh lệnh và đòi hỏi ấy đều chứa đựng những từ như “không bao giờ”, “luôn luôn” hoặc “đừng quên rằng” (Harris, 1969). Một người khi đang vận hành ở trạng thái cái Tôi P sẽ không đánh giá dựa trên những thông tin từ tình huống hiện tại, mà lại để cho những mệnh lệnh trong quá khứ hướng dẫn hành vi hiện tại. Khi vận hành cái Tôi P, người ấy sẽ cảm thấy, sẽ nói và hành động theo cách thức mà bản thân mình từ hồi bé đã nhận thấy bố mẹ hành xử.
Cái Tôi P là sản phẩm của những tư liệu được đứa trẻ ghi nhận lại từ bố mẹ thực tế của mình. Đây không đơn thuần là một sự chuyển giao theo kiểu tuyến tính, bởi vì, thông thường có đến hai người là bố và mẹ, và mỗi người lại có ba trạng thái cái Tôi P, A và C của chính họ mà từ đó xuất phát ra các cách thức ứng xử của họ. Vì thế một đứa trẻ sẽ ghi nhận các tư liệu từ cả thảy 6 trạng thái cái Tôi của cả bố lẫn mẹ. Những luật lệ và mệnh lệnh chẳng hạn như “Đừng bao giờ nói dối” hoặc “Đừng tin vào những hạng người đó” đã được ghi nhận từ những trạng thái cái Tôi P của bố mẹ; còn những hành vi như trẻ con lại có thể được ghi nhận khi bố mẹ đang vận hành cái Tôi C của họ. Bởi vì thường có rất nhiều những tư liệu trong số này là không phù hợp, cho nên cái Tôi P dễ bị vận hành sai chức năng trong đời sống sau này khi cá nhân người ấy đến tuổi trưởng thành.
Mặc dù cái Tôi P có vẻ như là một thành phần “gây nguy hại”, do bởi nó có những tính chất không phù hợp và sự vận hành của nó thường có xu hướng thiên về quá khứ, nhưng thực ra sự tồn tại của cái Tôi P lại rất cần thiết. Cái Tôi P có chức năng như một thành phần chuyển giao các tập tục và giá trị văn hóa, và nó có tác dụng “bảo tồn năng lượng và hạn chế sự lo âu bằng cách có thể thực hiện ngay những quyết định một cách tự động và tương đối khó lay chuyển” (Berne, 1976).
Cái Tôi Người Lớn (Adult ego state)
Trong quá trình khám phá thế giới, đứa trẻ cũng dần dần tích lũy những tư liệu từ những trải nghiệm sống. Việc đứa trẻ có thể lượng giá những trải nghiệm này đánh dấu sự xuất hiện của một trạng thái cái Tôi Người Lớn trong tương lai. Trong giai đọan đầu, cái Tôi A ở đứa trẻ vẫn còn rất mong manh và rất dễ bị bỏ qua bởi cả những mệnh lệnh của bố mẹ lẫn những cảm xúc của đứa trẻ. Sự biểu lộ cái Tôi A được thấy khi trẻ được yêu cầu không làm một việc gì đó vì nó có thể gây tổn thương cho trẻ, nhưng trẻ vẫn cứ làm để kiểm định lại lời khuyên này. Để làm được việc đó, trẻ phải sử dụng đến những kỹ năng đánh giá, và sự đánh giá là một loại hành vi của cái Tôi Người Lớn.
“Trạng thái cái Tôi Người Lớn được đặc trưng bởi các khuôn mẫu cảm xúc, thái độ và hành vi có tính tự động được điều chỉnh để thích ứng với thực tế hiện tại” (Berne, 1976). Nó tác động như một công cụ thu nhận và lượng giá các thông tin. Nó không liên hệ với cảm xúc mà là với thực tế; nó đặt ra các câu hỏi “Cái gì?”, “Ở đâu?” và “Như thế nào?”. Trong cái Tôi A, phần lớn vắng bóng cảm xúc, mặc dù cái Tôi A có thể đánh giá được các cảm xúc. Như vậy, cái Tôi A tốt nhất có thể được xem như một cơ chế điều hòa, có thể đánh giá các nguồn thông tin đến từ môi trường bên ngoài cũng như các thông tin đến từ các trạng thái cái Tôi khác, xử lý các dữ liệu này, đánh giá những kết quả có thể xảy đến và quyết định những việc phải làm.
Ở một người vận hành đúng chức năng, trạng thái cái Tôi A thì luôn luôn thay đổi, khác với P và C thường tĩnh tại. Cái Tôi A có khả năng đánh giá các dữ liệu đến từ P và C, có thể hỗ trợ hoặc thay đổi những dữ liệu ấy. Cái Tôi không cố gắng “cầm quyền” trong cấu trúc nhân cách, nhưng nó vận hành để giữ cho những trạng thái cái Tôi P và C vẫn hiện diện, có tính thích đáng và giữ chúng trong tình trạng thăng bằng.
ĐỘNG CƠ (MOTIVATION)
Theo quan điểm T.A., mỗi cá nhân có hai loại nhu cầu chính yếu: nhu cầu sinh lý và nhu cầu tâm lý. Nhu cầu sinh lý bao gồm thực phẩm, nước, không khí… là những nhu cầu cần thiết cho sự tồn tại về thể chất. Các nhu cầu tâm lý theo cách sử dụng thuật ngữ của trường phái T.A. bao gồm:
-          Stimulus Hunger & Strokes
-          Structure Hunger
-          Position Hunger
Các thuật ngữ này được sử dụng với tính đặc thù riêng cho trường phái T.A., không thể giữ nguyên nghĩa nếu dịch sang đúng những từ tương đương trong tiếng Việt. Ở đây tạm dịch là Nhu cầu tìm kiếm những tương tác kích thích, Nhu cầu cấu trúc thời gian sống và Nhu cầu về vị thế sống.
Nhu cầu tìm kiếm những tương tác kích thích
Berne tin rằng tất cả mọi người đều có nhu cầu cơ bản nhận được những kích thích từ những người xung quanh, hay nói cách khác là cần được người khác thừa nhận. Những kích thích (stimulation) hoặc thừa nhận (recognition) ấy có thể được biểu hiện dưới hình thức những sự lưu tâm về thể chất hoặc về tâm lý, và Berne gọi những hình thức tương tác như vậy là stroke. “Stroke” là một từ trong tiếng Anh có nhiều nghĩa; theo nghĩa riêng được Berne nêu ra thì đó là: Một hình thức thừa nhận được thực hiện bởi một người này đối với một người kia, thông qua sự lưu tâm đến nhau về mặt thể chất hoặc tâm lý (trong bài này tạm dịch là “tương tác kích thích”). “Những công trình của René Spitz và H.F. Harlow cho thấy rằng, nếu không nhận được đầy đủ những tương tác như vậy, các lòai sinh vật, cả người lẫn khỉ, đều sẽ có biểu hiện chậm tăng trưởng về mọi lĩnh vực: thể chất, tình cảm và tâm thần” (Kambly, 1971). Lúc ban đầu, nhu cầu này được thỏa mãn qua các tương tác, kích thích về cơ thể (physical stroking). Khi con người trưởng thành, các tương tác kích thích về cơ thể sẽ được thay thế dần bằng các tương tác kích thích có tính biểu tượng (symbolic strokes), dưới hình thức lời nói, cử điệu và các giao tiếp phi ngôn ngữ khác.
Các tương tác kích thích có thể tích cực hoặc tiêu cực, có thể có điều kiện hoặc không có điều kiện. Các tương tác kích thích có điều kiện, dù tích cực hay tiêu cực, đều là để đáp ứng với các hành động (for doing). Ví dụ, bố mẹ khen thưởng con khi con làm việc tốt (tích cực) hoặc đánh con khi nó không vâng lời (tiêu cực). Cả hai trường hợp đều tùy thuộc vào việc đương sự đã làm một việc gì đó. Trong khi đó, các tương tác kích thích không điều kiện, thì lại có liên quan đến các trạng thái, tính chất (for being). Ví dụ, “Tôi yêu bạn vì bạn là bạn” (tích cực) hoặc “Tôi không thích bạn vì bạn là bạn” (tiêu cực). Thậm chí những tương tác kích thích tiêu cực có thể gây đau khổ cho đương sự, nhưng nếu trong môi trường sống hiện chỉ có duy nhất kiểu thừa nhận này thì nguời ta vẫn tìm kiếm chúng còn hơn là chẳng nhận được một tương tác kích thích nào cả.
Những tương tác kích thích cũng có thể pha trộn nhiều hình thức. Ví dụ trong câu nói sau “Này bạn, mọi thứ có vẻ tốt đấy. Tôi chỉ có điều là không thể tin nổi bạn đã làm việc này” cho thấy một lọai tương tác kích thích có phần công khai mang tính tích cực, nhưng vế thứ hai của câu thì lại ngầm chứa đựng một tương tác kích thích tiêu cực. Vì thế đây là lọai tương tác kích thích “hỗn hợp” hay còn gọi là tương tác kích thích “vặn vẹo”. Ý định thật sự của lọai tương tác kích thích này thường là tiêu cực.
Mỗi cá nhân đều học được cách thức tìm kiếm các lọai tương tác kích thích mà bản thân mình đã từng kỳ vọng khi còn bé. Một đứa trẻ chỉ nhận được những tương tác kích thích tiêu cực và có điều kiện, về sau khi lớn lên vẫn sẽ tìm kiếm các lọai tương tác kích thích này với lòng tin rằng chúng là những tương tác kích thích duy nhất sẵn có trên đời. Một người có những động cơ sống theo kiểu như vậy thường sẽ phát triển nên những hành vi mà người khác gọi là hành vi không thích nghi. Một đứa trẻ nhận được những tương tác kích thích tích cực và không điều kiện sẽ có cơ hội tốt hơn rất nhiều để trở thành một người trưởng thành với chức năng sống đầy đủ. Dù trong bất kỳ tình huống nào, sự tìm kiếm các tương tác kích thích (nghĩa là tìm kiếm những sự lưu tâm và thừa nhận từ người khác) vẫn là một động lực thúc đẩy quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người.
Nhu cầu cấu trúc thời gian sống
“Nhu cầu cấu trúc thời gian sống tạo ra tình thế lưỡng nan của một con người trong suốt cả cuộc đời – những gì phải làm trong 24 giờ mỗi này, 168 giờ mỗi tuần” (Holland, 1973). Nhu cầu cấu trúc thời gian sống chính là nhu cầu của một con người cần sử dụng thời gian sống để có thể nhận được tối đa các tương tác kích thích cần thiết. “Con người gần như sẵn lòng bằng mọi giá để thời gian sống của mình có thể được cấu trúc theo đúng nhu cầu, bởi vì ít có ai có thể tự động cấu trúc thời gian sống của mình trong một thời gian dài” (Berne, 1966). Cách thức con người cấu trúc thời gian sống của mình tùy thuộc vào mức độ thoải mái của những cảm xúc mà họ nhận được. Một người e ngại các mối quan hệ thân tình sẽ có mức đầu tư tối thiểu vào các quan hệ với người khác và sẽ chấp nhận việc ít có các tương tác kích thích (Kambly, 1971). Trong khi đó, một người không ngại có những mối quan hệ thân tình nói chung sẽ có thể nhận được một số lượng lớn những tương tác kích thích tích cực. Dù trong trường hợp nào, con người vẫn tìm cách cấu trúc thời gian của mình để có thể giảm thiểu mức độ nguy cơ và sao cho họ cảm thấy thoải mái nhất. Có tất cả 6 cách thức mà con người cấu trúc thời gian sống của họ. Chúng được liệt kê dưới đây theo trình tự từ mức độ “ít nguy cơ nhất” cho đến mức độ “nguy cơ cao nhất”:
  1. Rút lui, tự cô lập (withdrawal)
Những người không thể chấp nhận bất kỳ nguy cơ nào có thể sẽ rút lui về cuộc sống cô lập với chính bản thân mình. Họ có thể sống tách biệt như một ẩn sĩ, hoặc đơn giản chỉ rút lui về mặt tâm lý. Những người này chủ yếu nhận những tương tác kích thích thông qua huyễn tưởng (fantasy) hoặc “tự thọai” (self-talk). Sự tưởng thưởng (pay-off) là ở mức thấp nhất.
  1. Nghi thức (rituals)
Nghi thức là những cách thức ứng xử được cấu trúc chặt chẽ nhằm nhận được những tương tác kích thích. Nghi thức có thể biểu hiện dưới dạng những phép ứng xử lịch sự giữa người này và người khác, cho phép những người này nhận được những tương tác kích thích mà không cần có sự đầu tư thực sự nào cả. Ví dụ khi hai người gặp nhau chào hỏi xã giao, họ đều có thể nhận được những kích thích, nhưng chẳng ai trong số họ bị “mất năng lượng” để đầu tư vào việc này. Giá trị của các tương tác kích thích là không cao và các tương giao (transaction) ở mức độ này sẽ không xảy ra lâu.
  1. Tiêu khiển, tán gẫu (pastimes)
Cấu trúc thời gian sống theo kiểu tiêu khiển, tán gẫu có những nội dung rộng hơn những nghi thức. Chúng bao gồm những cuộc nói chuyện, tán gẫu không có mục đích. Các chủ đề như con cái, thể thao, xe cộ, làm vườn… là những chủ đề dành để tán gẫu. Việc sử dụng các chủ đề bên ngòai cho phép các cá nhân tương tác với nhau nhưng không nhận nhiều nguy cơ cho bản thân.
  1. Các họat động (activities)
Một họat động thường là một công việc hoặc một hành vi có mục đích. Khi thực hiện một họat động, con người dựng lên một tình huống sao cho việc hòan tất họat động ấy sẽ mang lại cho bản thân mình những tương tác kích thích mà họ cần đến. Thậm chí, có những người trở nên “nghiện làm việc” để nhận được những tương tác kích thích mà mình mong muốn.
  1. Trò chơi (games)
Cấu trúc thời gian sống theo kiểu “Trò chơi” là cách được viết ra nhiều nhất trong các tác phẩm của trường phái T.A.; đặc biệt là trong quyển Games People Play của Eric Berne – nói đến phần lớn các loại hoạt động xã hội của con người. Theo cách dùng thuật ngữ của T.A., “trò chơi” bao gồm một loạt những tương giao có trình tự giữa hai con người, mang lại những phần tưởng thưởng bên trong những tương tác kích thích được trao đổi qua lại giữa hai đối tác. “Phần thưởng của một trò chơi chính là một cảm xúc quen thuộc kéo dài, hoặc dưới dạng trầm uất, giận dữ, hụt hẫng, ganh ghét…, hoặc dưới dạng chinh phục, chiến thắng, chính nghĩa… mà con người mong muốn nhận được” (Kambly, 1971). Cái cảm xúc mà con người tìm kiếm được gọi là “cây vợt” của họ, hay là phong cách sống cơ bản của họ. Phần thưởng có được từ trò chơi thường được gọi theo cách ẩn dụ là “phiếu mua hàng” bởi vì những người chơi game cũng thâu thập chúng giống như người ta hay thâu thập những phiếu mua hàng. Những ai quen sử dụng “cây-vợt-ganh-ghét” sẽ tham gia vào những trò chơi nào mang lại phần thưởng là tạo cơ hội cho họ ganh ghét. Những trò chơi có khi chỉ có hai người tham dự, và cả hai đều có thể nhận được những phần thưởng mà họ mong muốn. Theo quan điểm T.A., trong trò chơi không có “người thua”.
  1. Quan hệ mật thiết (intimacy)
Cấu trúc thời gian sống theo kiểu quan hệ mật thiết là cách có khả năng mang lại sự tưởng thưởng cao nhất, nhưng đồng thời cũng hàm chứa những nguy cơ cao nhất. Nói theo Berne (1966) “Quan hệ mật thiết là một sự trao đổi những biểu lộ về mặt cảm xúc đã được lập trình bên trong mà không có tính chất của trò chơi” (Intimacy is a game-free exchange of internally-programmed affective expressions). Chỉ những ai có khả năng cởi mở và chân thành với nhau mới có thể bước vào những mối quan hệ mật thiết.
Mặc dù hầu hết mọi người, ở một chừng mực nào đó, đều sử dụng đến cả 6 lọai phương thức cấu trúc thời gian sống nêu trên, vấn đề rắc rối có thể xảy đến khi họ sử dụng quá mức một phương thức nào đó mà bỏ qua không thực hiện những cách thức khác.
Nhu cầu về vị thế sống
Động cơ thúc đẩy thứ ba về mặt tâm lý là nhu cầu của mỗi cá nhân trong việc lựa chọn và xác lập cho mình một vị thế sống (life position). Nhu cầu này có liên quan đến “cây vợt” của mỗi người (tức là phong cách sống cơ bản của người ấy), kịch bản sống (life script) và kịch bản đối lập (counter-script) của người ấy. Các tương tác kích thích (stroke) nhận được từ thuở ấu thời sẽ ảnh hưởng đến vị thế sống, kịch bản sống, kịch bản đối lập, phong cách sống cơ bản và các trò chơi mà người ấy chấp nhận ở tuổi trưởng thành. Nhu cầu về vị thế sống là nhu cầu để ứng xử sao cho có thể liên tục tái xác nhận những lựa chọn này. Để hiểu được nhu cầu về vị thế sống như một loại động cơ của con người, chúng ta phải xem xét đến sự tạo lập của vị thế sống, kịch bản sống và kịch bản đối lập.
Vị thế sống
Cách thức mà con người cảm nhận về chính mình và về người khác được phản ảnh trong vị thế sống mà họ chọn lựa. Berne cho rằng con người đã có những quyết định chọn lựa này từ rất sớm trong đời, dựa trên những nhận thức của người ấy về thế giới xung quanh. “Số phận một con người được quyết định bởi những gì diễn ra bên trong trí não khi người ấy đương đầu với những gì xảy ra ở môi trường bên ngoài” (Berne, 1972). Mỗi cá nhân sẽ lựa chọn cho mình một trong bốn loại vị thế sống sau đây:
  1. I’m OK – You’re OK
Đây là vị thế sống tối ưu và thường được gọi là vị thế sống ở mức phát triển cao (evolutionary position) (Kambly, 1971). Đây là vị thế sống cơ bản của lòng tin mà tất cả mọi người đều có được ngay từ buổi đầu của cuộc sống. Vì là vị thế sống tốt nhất cho một cuộc sống có ý nghĩa, đây chính là vị thế sống được mong muốn ở tất cả mọi người. Tuy vậy, đây chính là vị thế sống khó được duy trì ổn định nhất. Berne cho rằng, trừ khi vị thế này được chấp nhận ngay từ đầu đời, người ta sẽ rất khó để gìn giữ nó lâu hơn trong đời. Ông mô tả nó như là “vị thế của những hoàng tử, những anh hùng và những công nương” (Berne, 1972).
  1. I’m OK – You’re not OK
Đây là lọai vị thế “paranoid”, còn gọi là vị thế gây biến đổi (revolutionary position) (Kambly, 1971). Harris (1969) cho rằng vị thế này được phát sinh như một phản ứng quá mức đối với cảm nhận về bản thân đang ở vị thế “I’m not OK”. Rất khó cho những ai chấp nhận vị thế sống này mà có thể khách quan đối với bản thân mình và người khác. Harris (1969) cũng cho rằng những người ở vị thế sống này rất dễ trôi dạt vào những hành vi tội phạm và vây xung quanh mình bằng những người khác chỉ biết vâng dạ (yes-men) để nhận lấy những tương tác kích thích. Thậm chí những tương tác kích thích này cũng không đáng tin cậy, bởi vì những cá nhân này không thực sự tin rằng có ai đó là “OK”.
  1. I’m not OK – You’re OK
Kambly (1971) gọi đây là vị thế chuyển giao quyền lực (devolutionary position) và xem đây là vị thế được nhiều người lựa chọn nhất. Harris (1969) khẳng định rằng đây chính là vị thế sống thường được áp đặt lên trên trẻ em, và Berne (1972) đã mô tả nó như là sự tự hạ thấp của vị thế trầm cảm (depressive position). Bởi vì những người chấp nhận vị thế này thường xuyên thấy mình không có giá trị, họ phải thường xuyên đi tìm những tương tác kích thích. Điều này khiến họ phải sống chìu theo ý của mọi người. Nhu cầu thường xuyên phải làm vui lòng người khác thường dẫn đến một cuộc sống hữu ích, nhưng không hạnh phúc. Do bị áp lực thường xuyên, vị thế này thường đưa đến trầm cảm (James & Jongeward, 1971).
  1. I’m not OK – You’re not OK
Đây được xem là vị thế vô dụng hoặc vị thế “cuốn ngược” (obvolutionary position) (Kambly, 1971), và thường là vị thế sống được chấp nhận bởi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Không nhận được những tương tác kích thích từ bố mẹ, những trẻ này đầu tiên cảm thấy chúng không “OK” và sau đó cũng chẳng thể tin được rằng có ai đó “OK” được cả, bởi vì chúng cũng không trao cho ai khác những tương tác kích thích. Những người ở vị thế này thường có cái nhìn vô vọng về cuộc đời, và chỉ sống trên cơ sở ngày qua ngày mà thôi. Họ dễ phát sinh những hành vi dạng phân liệt (schizoid behavior) (James & Jongeward, 1971).
Sự lựa chọn vị thế sống của mỗi người là sản phẩm của những mệnh lệnh và sự cho phép, chủ yếu là từ bố mẹ, ngay từ thuở nhỏ.
Các mệnh lệnh
Đó là những điều bố mẹ bắt con phải làm theo những cách thức đã được xác định rõ. Tác động lâu dài của những mệnh lệnh này tùy thuộc vào cả hình thức lẫn cách thức bắt buộc làm theo mệnh lệnh. Berne liệt kê ra 3 lọai mệnh lệnh:
  1. Mệnh lệnh cấp độ I
Còn gọi là mệnh lệnh trực tiếp (straight commands). Là những mệnh lệnh bắt buộc theo kiểu chấp nhận hoặc không chấp nhận. Đây là một phần trong những tương tác bình thường giữa bố mẹ và con cái và việc sử dụng những mệnh lệnh này không ngăn trở sự phát triển của vị thế sống và kịch bản sống nơi đứa trẻ.
  1. Mệnh lệnh cấp độ II
Là loại mệnh lệnh trong đó cha mẹ gửi đến đứa trẻ một thông điệp vừa có ý công khai vừa kèm theo ẩn ý. Những mệnh lệnh loại này thường được bắt buộc bởi sự hăm he, đe dọa, và do tính chất nhập nhằng của thông diệp, chúng có thể khiến cho trẻ nhầm lẫn, khó hiểu. Chúng có thể khiến trẻ dễ chấp nhận vị thế sống “I’m not OK”.
  1. Mệnh lệnh cấp độ III
Là những mệnh lệnh thường đi kèm theo sự trừng phạt nặng nề. Những mệnh lệnh này dễ khiến trẻ chấp nhận vị thế “I’m not OK”, nhưng còn gây tổn thương hơn cả loại mệnh lệnh cấp độ II vì chúng khiến trẻ cảm thấy mình như một kẻ thua thiệt thật sự.
Lọai mệnh lệnh cấp độ I không ngăn cản sự phát triển của một kịch bản sống tích cực; mệnh lệnh cấp độ II và III thì có tính ngăn trở sự phát triển này. Tất cả các mệnh lệnh đều có tính tiêu cực, và càng khắc khe thì chúng càng nhiều khả năng để đứa trẻ chấp nhận vị thế sống “I’m not OK”.
Sự cho phép (permission)
Khi bố mẹ tạo điều kiện cho trẻ tự do chọn quyết định của riêng mình thì họ đang thực hiện sự cho phép. Trẻ càng nhận được nhiều sự cho phép thì càng có nhiều khả năng trẻ chọn và chấp nhận vị thế sống và kịch bản sống tích cực. Sự cho phép cũng là một công cụ của nhà trị liệu.
Kịch bản sống (life script)
Với vị thế sống đã chọn, đứa trẻ bắt đầu áp dụng một kế hoạch sống, hoặc còn gọi là một kịch bản sống. Kịch bản này được thiết kế để thỏa mãn nhu cầu về vị thế sống. Kịch bản cho phép đứa trẻ liên tục khẳng định lại vị thế sống mà trẻ đã chọn, bất kể là vị thế đó đã chọn sai như thế nào. Kịch bản sống vạch ra một con đường mà qua đó mỗi cá nhân sẽ cấu trúc thời gian sống và các cách thức mà người đó có thể nhận được những tương tác kích thích cần thiết cho sự tồn tại. Bằng cách này, kịch bản sống đã can thiệp vào khả năng của trạng thái cái Tôi A (cái Tôi Người Lớn) của cá nhân đó trong việc đánh giá chính xác các dữ liệu từ cuộc sống thực tế hiện tại. Vì thế kịch bản sống là phương tiện để hợp lý hóa những hành vi phi lý và không thích đáng.
Kịch bản đối lập (counter-script)
Ngoài việc xây dựng một kịch bản sống, mỗi cá nhân còn có thể phát triển thêm cho mình một kịch bản đối lập lại như một cách thức để đôi lúc có thể quên đi một kịch bản sống không vui và chiếu cố đến một kịch bản khác tốt hơn, để rồi sau đó quay trở lại với kịch bản cũ vốn có. Steiner (1973) mô tả một kịch bản đối lập của một bệnh nhân nghiện rượu dưới hình thức là người ấy đã có lúc trở nên điềm đạm trong những khoảng thời gian ngắn; hoặc đối với một người có kế họach thực hiện việc tự sát nhưng vẫn dành ra một thời gian ngắn để hạnh phúc trong mối quan hệ với người yêu của mình. Trong tất cả các trường hợp đều có một mô hình có tính chu kỳ: đương sự dành phần lớn thời gian để thực hiện kịch bản sống chính, nhưng xen vào đó là những thời gian ngắn vận dụng kịch bản đối lập, chỉ để rồi quay trở lại với kịch bản cũ.
Tìm hiểu những động cơ chủ yếu của con người là một việc thiết yếu để có thể phân tích được các tương giao. Trong hầu hết trường hợp, việc hiểu biết này có được từ sự phân tích kịch bản sống của một con người. Kịch bản sống để lộ ra phương thức mà một con người cấu trúc thời gian sống của mình, lựa chọn vị thế sống và các phương thức giúp duy trì vị thế sống đó. Những phương tiện mà con người dùng để tìm kiếm sự thỏa mãn các nhu cầu cơ bản được gọi là các “tương giao” (transactions).
Tương giao
Tương giao, những cách thức mà con người thực hiện để thỏa mãn những nhu cầu sống còn của mình, chính là các hình thức giao tiếp giữa người với người. Chúng có thể xảy ra giữa bất kỳ một trạng thái cái Tôi nào đó – A, P hoặc C – của người này với một trạng thái cái Tôi nào đó của một người khác. Chính nhờ các tương giao giữa cha mẹ và đứa trẻ mà những nền tảng cơ bản của nhân cách đứa trẻ được hình thành. Các tương giao cũng là phương tiện mà thông qua đó con người có thể tìm cách nhận được những tương tác kích thích mà họ cần cho sự tồn tại của mình.
Có ba lọai tương giao giữa người với người:
Tương giao bổ sung (complementary)
Tương giao I
Laura                        Emily 
Laura: “Sẵn sàng chưa?”
Emily: “Rồi”                                                                                                                  
Tương giao II
Mẹ                                Con
Con: “Con ăn kẹo được không?”
Mẹ: “Được chứ”
Nếu sự giao tiếp giữa hai con người có thể được tiếp tục thì nó phải có tính bổ sung. Một tương giao có tính bổ sung là tương giao trong đó các vector giao tiếp không bắt chéo nhau. Tương giao I (giữa Laura và Emily) minh họa một tương giao bổ sung giữa hai cái Tôi A giữa Laura và Emily; trường hợp II cũng là một tương giao bổ sung giữa cái Tôi P của mẹ và cái Tôi C của con. Trong cả hai trường hợp, tương giao đều có tính bổ sung, vì trạng thái cái Tôi được gọi đến cũng chính là trạng thái cái Tôi phát sinh ra đáp ứng phản hồi.
Tương giao bắt chéo (crossed)
Khi một trạng thái cái Tôi không được gọi đến lại phát sinh đáp ứng phản hồi thì sẽ tạo nên một tương giao bắt chéo
Tương giao III
Mẹ                            Con gái
Mẹ: “Con xong chưa?”
Con gái: “Đừng làm phiền con nữa?”
Tương giao IV
Fran                            Roth
Fran: “Bạn đang béo lên đấy!”
Roth: “Đừng có làm tớ bực mình vì chuyện đấy nữa”
Trong cả hai tương giao III và IV, cái Tôi A của người này muốn gọi tên cái Tôi A của người kia nhưng thay vào đó cái Tôi C của người kia lại lên tiếng. Những kiểu tương giao như thế sẽ làm ngưng lại một giao tiếp có ý nghĩa.
Tương giao ngầm (ulterior)
Trong tương giao ngầm, có một điều được nói ra ở bình diện công khai, nhưng đồng thời lại có một thông điệp khác được ngấm ngầm gửi đi. Nói chung, trong những trường hợp như thế, thông điệp công khai thường chứa đựng nội dung dễ được xã hội chấp nhận, trong khi thông điệp ngầm lại là thông điệp có ý nghĩa tâm lý cơ bản hơn.
Tương giao V
Công khai: (A-A)
Dick: “Bạn có muốn ghé qua chỗ tớ uống tí gì không?”
Jane: “Dĩ nhiên là được”
Ngấm ngầm: (C-C)
Dick: “Chơi không?”
Jane: “Chơi chứ!”
Dick                          Jane
Tương giao VI
Người bán                     Người mua
Công khai:
Người bán (A-A): “Đây là hàng tốt nhất của chúng tôi, nhưng có lẽ bạn muốn xem thứ rẻ hơn”
Người mua (C-A): “Tôi muốn loại này”
Ngấm ngầm:
Người bán (A-C): “Bạn không thể mua nổi thứ này đâu”
Tương giao giữa Dick và Jane có 4 trạng thái cái Tôi dự phần vào, với thành phần tương giao quan trọng chính là cái được giao tiếp ở bình diện tâm lý. Trong tương giao VI, người bán gửi một thông điệp đến cái Tôi A của người mua, nhưng lại “móc” vào cái Tôi C của người mua bằng một thông điệp ngầm. Đây dĩ nhiên là một kỹ thuật bán hàng đặc hiệu. Do bỏi sự truyền đi những “thông điệp kép” nên kiểu tương giao ngầm này thường gây ra những sự hụt hẫng giữa các đối tác, đặc biệt là trường hợp giữa cha mẹ và con cái.
Vì các tương giao là những cách thức mà con người tìm cách thỏa mãn những nhu cầu của mình, nên chúng là nền tảng cho sự phát triển và định hình nhân cách. Giờ ta sẽ quay trở lại xem xét làm thế nào mà những yếu tố này tương tác với nhau trong quá trình phát triển.
TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH
Trường phái T.A. cho rằng bên trong mỗi con người đều có một tiềm năng về cơ bản là có tính tích cực, và tiềm năng ấy sẽ trở thành hiện thực, miễn là nó được nuôi dưỡng đúng cách (Dusay & Steiner, 1971). Mặc dù các yếu tố về sinh học, tâm lý và kinh tế xã hội có ảnh hưởng đến mọi con người, nhưng chúng chỉ xác định nên những giới hạn chung để mỗi người có thể phát triển.
Các lý thuyết gia T.A. tin rằng sự phát triển về nhân cách đã bắt đầu trước khi sinh ra: những yếu tố như số người có trong gia đình, đứa trẻ sinh ra có được mong đợi hay không, bố mẹ muốn con trai hay con gái, vv… sẽ xác định nên một môi trường mà từ đó đứa trẻ được sinh ra. Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng lên trên loại tương tác kích thích mà đứa trẻ có thể nhận được khi nó được sinh ra, và từ đó có thể ảnh hưởng lên việc chọn lựa vị thế sống của đứa trẻ. Trong một số trường hợp, các yếu tố trước sinh có ảnh hưởng tích cực; trong trường hợp khác, chúng lại có tác dụng gây nguy hại cho đứa bé.
Vị thế sống ban đầu của đứa bé sơ sinh là vị thế sống với lòng tin một cách tự nhiên “I’m OK – You’re OK”. Nếu muốn vị thế sống đó được duy trì, bố mẹ phải cung cấp cho đứa bé những tương tác kích thích có tính tích cực và vô điều kiện. Cùng với việc chăm sóc những nhu cầu sinh lý cơ bản của đứa trẻ, những tương tác kích thích này là tất cả những gì cần có để duy trì sự phát triển tích cực trong thời gian nửa năm đầu tiên của cuộc sống. Khi trẻ bắt đầu vận động và khám phá bản thân nó, việc giúp trẻ duy trì vị thế “I’m OK” sẽ trở nên khó khăn hơn. Falzett và Maxwell (1974) đã mô tả các lọai hành vi mà bố mẹ có thể thúc đẩy họac gây cản trở cho quá trình phát triển lành mạnh của một đứa trẻ từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi như sau:
Bảng trình tự phát triển của Falzett và Maxwell
 
Chăm sóc tốt
Chăm sóc không tốt
6-18th 
Cha mẹ giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh; bảo vệ để trẻ có thể khám phá và nhận lấy những tương tác kích thích tích cực và vô điều kiện. Kỷ luật hợp lý và thích đáng. Giao tiếp chủ yếu giữa cái Tôi C của bố mẹ với cái Tôi C của trẻ.
Cha mẹ từ chối bảo vệ trẻ và không cho phép trẻ khám phá thế giới xung quanh; giới hạn các vận động của trẻ và nghiêm khắc khi tập cho trẻ đi vệ sinh.
18th-3 tuổi
Cha mẹ giúp trẻ phát triển khả năng kiểm soát bản thân và xem xét đến những cảm xúc và nhu cầu của người khác. Một số khả năng lý lẽ của trẻ được khuyến khích bằng cách đôi khi cha mẹ sử dụng hình thức giao tiếp giữa hai cái Tôi A và A với trẻ, mặc dù phần lớn các tương giao nói chung vẫn còn trên bình diện C và C. Đây là lúc thích hợp tập cho trẻ đi vệ sinh và áp dụng một số hình thức kỷ luật.
Cha mẹ không áp dụng kỷ luật gì mà cũng không kỳ vọng gì nơi trẻ cả; hoặc các kỳ vọng được đặt ra quá cao và chịu áp lực nghiêm khắc. Trẻ không được khuyến khích suy nghĩ để giải quyết vấn thông qua các tương giao giữa hai cái Tôi A-A.
3-6 tuổi
Cha mẹ tiếp tục khuyến khích trẻ thực hiện các hành vi giải quyết khó khăn, giúp trẻ hiểu được cảm xúc của chính mình và khám phá những cách thức tìm kiếm các tương tác kích thích. Cha mẹ khuyến khích trẻ thực hiện những hành vi được xã hội chấp nhận và không khuyến khích trẻ tìm kiếm các tương tác kích thích thông qua những “trò chơi”.
Cha mẹ trêu ghẹo hoặc phản bác những ý kiến của trẻ. Trẻ thường bị bỏ mặc một mình hoặc không được khuyến khích để giải quyết các khó khăn.
6-12 tuổi
Các tương giao được nhấn mạnh trên bình diện cái Tôi A-A. Cha mẹ lắng nghe các ý kiến của trẻ và tôn trọng quyền của trẻ tin theo những gì trẻ tin. Trẻ được tạo điều kiện để có nhiều trải nghiệm và phát triển những kỹ năng của cá nhân.
Cha mẹ áp dụng những luật lệ và các giá trị rất nghiêm khắc, hoặc không có luật lệ gì cả. Không tôn trọng những ý kiến hoặc khả năng lý lẽ của trẻ.
Trong bảng hướng dẫn tổng quát của Falzett và Maxwell chứa đựng một giả định cơ bản là cha mẹ nên tôn trọng đứa con của mình, khuyến khích khả năng phát triển và tự kiểm soát bản thân của trẻ. Nếu được dưỡng dục tốt, trẻ có thể duy trì vị thế tự nhiên ban đầu “I’m OK”; còn ngược lại trẻ sẽ dễ chấp nhận vị thế “I’m not OK”. Giáo dục tốt cũng giúp trẻ phát triển những phương thức tìm kiếm các tương tác kích thích không dựa trên các “trò chơi” hoặc các nghi thức, tạo lập những trạng thái cái Tôi vận hành đúng chức năng và không bị “ô nhiễm”.
Mỗi một trong số ba trạng thái cái Tôi – P, A và C – có thể được phân chia nhỏ thêm tùy theo dữ liệu được đến từ đâu trong quá trình phát triển từ trạng thái cái Tôi ấy. Nếu phát triển bình thường, mỗi trạng thái cái Tôi đều có tiềm năng kiểm sóat được hành vi của con người, kể cả về mặt thể chất lẫn tâm lý. Mỗi lúc chỉ có một trạng thái cái Tôi đảm nhận trách nhiệm. Theo thuật ngữ T.A., vào mỗi thời điểm, chỉ có một trạng thái cái Tôi được “đầu tư năng lượng” (cathected), “nghĩa là được nạp đầy năng lượng cần thiết để hoạt hóa hệ thống cơ bắp liên quan đến việc thực hiện hành vi” (Dusay & Steiner, 1971). Tuy nhiên, sự thật là một trạng thái cái Tôi có thể được đầu tư năng lượng, trong khi các trạng thái cái Tôi khác vẫn có đủ năng lượng để nhận biết rõ những gì mà trạng thái cái Tôi này đang vận hành.
Một đứa trẻ nhận được môi trường dưỡng dục lành mạnh sẽ có thể đầu tư năng lượng cho từng trạng thái cái Tôi và giúp nó vận hành vào những hoàn cảnh thích hợp. Nói theo cách của T.A., là có một sự mềm dẻo, linh hoạt giữa các trạng thái cái Tôi. Cái Tôi P của mỗi người thường được vận dụng tốt nhất trong những tình huống cần phải thực hiện việc kiểm soát trẻ em hoặc những người dưới quyền; cái Tôi A cần được vận dụng khi hoàn cảnh cần đến những quyết định hợp lý; và cái Tôi C là phù hợp nhất khi ta cần bày tỏ cảm xúc hoặc thể hiện tính sáng tạo (Dusay & Steiner, 1971).
Sự phát triển nhân cách bình thường, khi đó, là sản phẩm của quá trình dưỡng dục lành mạnh. Nó được đặc trưng bởi sự duy trì vị thế sống “I’m OK”, bởi việc chấp nhận một kịch bản sống tích cực không cần nhiều đến những “trò chơi” để có thể nhận được những tương tác kích thích, và bởi đặc tính trao đổi uyển chuyển giữa các trạng thái cái Tôi mà con người sử dụng một cách tương thích với hoàn cảnh thực tế.
SỰ PHÁT TRIỂN BẤT THƯỜNG
Một người thường xuyên nhận những điều kiện dưỡng dục không lành mạnh sẽ có khả năng lựa chọn vị thế sống “I’m not OK” và một kịch bản sống để duy trì vị thế ấy. Đương sự khi ấy sẽ không thể vận hành đầy đủ các trạng thái cái Tôi của mình. Mức độ nghiêm trọng của hành vi không thích nghi tùy thuộc vào vị thế sống được chọn và tùy thuộc vào việc quá trình phát triển các trạng thái cái Tôi bị tổn thương ở mức độ nào.
Nếu đương sự rời bỏ vị thế “I’m OK – You’re OK” để chuyển sang vị thế thường gặp “I’m not OK – You’re OK”, thì cuộc sống của người ấy có lẽ sẽ khá là bình thường và hữu dụng, nhưng nó khó có thể mang lại niềm vui và hạnh phúc thật sự.
Những người chấp nhận vị thế sống “I’m not OK – You’re not OK” sẽ có một cuộc sống vô vọng và đầy hụt hẫng. Đương sự thường không gây khó khăn cho bất kỳ ai, nhưng cũng thấy rằng bản thân mình và cuộc sống cũng không có gì hạnh phúc.
Ngoài việc có ảnh hưởng lên vị thế sống mà từ đó dẫn đến những phong cách sống không đúng đắn, việc dưỡng dục không lành mạnh còn có thể dẫn đến hai vấn đề khác trong sự phát triển các trạng thái cái Tôi, đó là sự “ô nhiễm” (contamination) và sự “lọai bỏ” (exclusion).
Sự ô nhiễm
Khi một trạng thái cái Tôi bị ảnh hưởng bởi những dữ liệu đến từ một trạng thái cái Tôi khác, khi đó có sự ô nhiễm xảy ra. Thông thường nhất là cái Tôi A bị ô nhiễm bởi những dữ liệu đến từ cái Tôi P hoặc cái Tôi C. “Ô nhiễm xảy ra khi những niềm tin không có căn cứ từ cái Tôi P hoặc những ý tưởng đến từ cái Tôi C ảnh hưởng lên cái Tôi A. Cái Tôi A khi ấy xem những thông tin trên là có thật, rồi lý giải và phán xét chúng” (James & Jongeward, 1971). Hậu quả của việc này là cái Tôi A bị ngăn trở không thể xử lý được các dữ liệu một cách chính xác. Thường xảy ra nhiều nhất là cái Tôi A bị ô nhiễm do phải chấp nhận những niềm tin phi lý từ cái Tôi P. Một trong những hình thức thể hiện sự ô nhiễm này là sự hiện diện của những thành kiến đã được chuyển giao từ cái Tôi C của cha mẹ đến cái Tôi P của đứa con. Hoang tưởng có thể xảy ra khi mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng thường thì chỉ đủ ở mức độ gây bóp méo khả năng nhận thức về thực tại của đương sự và từ đó gây ra những hành vi không thích nghi.
Sự loại bỏ
Trong những tình huống sống thông thường, mỗi cá nhân sẽ phát triển khả năng chuyển sự đầu tư từ trạng thái cái Tôi này sang trạng thái cái Tôi khác sao cho phù họp với hòan cảnh. Tuy nhiên, khi sự phát triển các trạng thái cái Tôi diễn ra bất thường, những đường biên giới giữa các trạng thái cái Tôi có thể trở nên lỏng lẻo hoặc quá cứng nhắc.
Khi những đường biên giới giữa các trạng thái cái Tôi quá lỏng lẻo, thì chỉ cần một kích thích nhỏ từ môi trường bên ngoài, đương sự cũng sẽ dễ dàng chuyển đổi từ trạng thái cái Tôi này sang trạng thái cái Tôi khác. Một người như thế sẽ thiếu một bản sắc riêng khi thể hiện bản thân và kém khả năng đối mặt với cuộc sống một cách có ý nghĩa. Một người như thế sẽ không thể nói được rằng sắp tới anh ta sẽ làm gì.
Ở một cực đối lập lại, là tình trạng đường biên giới giữa những trạng thái cái Tôi quá cứng nhắc, và điều này khiến ngăn trở các “dòng chảy” của những năng lượng tâm trí vận chuyển giữa các trạng thái cái Tôi. Nói chung, do đường biên giới cứng nhắc nên hầu hết năng lượng tâm trí chủ yếu tập trung bên trong một trạng thái cái Tôi nào đó và gây cản trở sự vận hành của những trạng thái cái Tôi khác. Hậu quả là, người có đường biên giới cứng nhắc giữa các trạng thái cái Tôi hầu như chỉ sử dụng một trạng thái cái Tôi để đáp ứng lại với tất cả những hoàn cảnh kích thích đến từ bên ngoài; trạng thái cái Tôi được dùng để đáp ứng có thể luôn luôn là cái Tôi P, luôn luôn là cái Tôi C hoặc luôn luôn là cái Tôi A. Một người đang tham dự một bữa tiệc nhưng không thể thực sự thưởng thức những niềm vui của bữa tiệc ấy có thể là một người đang “lọai bỏ” sự hiện diện của trạng thái cái Tôi C. Kết quả của sự loại bỏ này là đương sự sẽ không thể sử dụng được những trạng thái cái Tôi một cách phù hợp để đáp ứng với ngoại cảnh.
Những vị thế sống không phù hợp, sự “ô nhiễm” và sự “loại bỏ” nêu trên, tất cả đều là sản phẩm của quá trình dưỡng dục lúc nhỏ, khi ấy, cha mẹ của đương sự đã tạo nên những tương tác kích thích (stroke) lên đứa con theo kiểu có điều kiện để đứa con có những hành vi ứng xử mà họ mong muốn. Đương sự lúc còn nhỏ hiếm khi được cho phép để khám phá hoặc để phát triển. Thay vào đó, cha mẹ của đương sự đã dựa trên các mệnh lệnh, không bao giờ cho phép con phát triển những trạng thái cái Tôi vận hành đúng chức năng hoặc tự do lựa chọn vị thế “I’m OK – You’re OK”. Trái lại, hành vi thích nghi và sự phát triển bình thường là những sản phẩm của sự dưỡng dục đúng đắn và là kết quả của việc lúc xưa cha mẹ đã dành cho con những tương tác kích thích theo kiểu tích cực và vô điều kiện.
Tóm lại, trường phái phân tích tương giao (T.A.) xem quá trình phát triển nhân cách (cả bình thường lẫn bất thường) chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi những tương giao giữa những trạng thái cái Tôi của bố mẹ và những trạng thái cái Tôi của đứa con. Sự lựa chọn vị thế sống của một người là sản phẩm của những tương giao này, và một khi đã lựa chọn, người ấy sẽ định hình cuộc sống của mình theo một cách thức sao cho có thể duy trì vị thế này và biến những tương tác kích thích mà trước đây mình đã “học được” thành nhu cầu để tìm kiếm trong tương lai. Trong nhiều trường hợp, sự lựa chọn vị thế sống và kế đó là lựa chọn kịch bản sống có thể dẫn đến những khuôn mẫu hành vi không thích đáng và vì thế mà đương sự có nhu cầu cần đến tâm lý trị liệu.
VẬN DỤNG PHÂN TÍCH TƯƠNG GIAO TRONG THAM VẤN VÀ TÂM LÝ TRỊ LIỆU
Phân tích tương giao chủ yếu là một hệ thống làm việc có thỏa thuận nhằm trị liệu tâm lý cho các cá nhân nhưng trong bối cảnh làm việc theo nhóm. Mục đích chung của phân tích tương giao “…là sự kiểm sóat về mặt xã hội, sao cho trạng thái cái Tôi A duy trì sự chủ đạo trong khi tương tác với người khác” (Berne, 1976). Những thân chủ tìm đến trị liệu là những người mà vì lý do này khác đã bị mất đi khả năng kiểm sóat ấy. Để làm việc với những thân chủ như thế, Berne (1966) đã thiết lập 4 mục tiêu chung như sau:
  1. Giúp thân chủ “khử” đi sự ô nhiễm ở một trạng thái cái Tôi nào đó.
  2. Giúp thân chủ có khả năng sử dụng tất cả các trạng thái cái Tôi phù hợp vói hoàn cảnh, bao gồm cả việc xử lý các tình trạng “loại bỏ” hoặc quá lỏng lẻo giữa các trạng thái cái Tôi.
  3. Giúp thân chủ sử dụng một cách đầy đủ cái Tôi A để dẫn đến việc hình thành một con người có khả năng tư duy hợp lý và có thể tự mình quản lý được cuộc sống.
  4. Mục đích sau cùng là giúp thân chủ thay thế vị thế sống và kịch bản sống không thích hợp để chuyển sang lựa chọn vị thế sống “I’m OK” và một kịch bản sống hữu ích hơn.
Ngoài ra, từng thân chủ cũng cần được thiết lập những mục tiêu riêng dựa trên cơ sở thỏa thuận. Hợp đồng thỏa thuận giữa nhà trị liệu và thân chủ phải vạch rõ những mục tiêu đặc hiệu mà thân chủ đang tìm kiếm thông qua tiến trình trị liệu. Dusay và Steiner (1971) đề xuất rằng hợp đồng phải thỏa mãn những điều kiện sau:
  1. Cả nhà trị liệu lẫn thân chủ, thông qua những tương giao giữa hai cái Tôi A và A, phải đồng ý với nhau về các mục tiêu này.
  2. Hợp đồng cần phải xem xét một số điều kiện như: về phía nhà trị liệu là những kỹ năng chuyên môn và thời gian; về phía thân chủ là tiền chi trả, thời gian và sự cố gắng.
  3. Hợp đồng phải xác định sự trưởng thành của cả hai phía đối tác. Một mặt nó xác định nhà trị liệu có khả năng giúp giải quyết vấn đề này; mặt khác nó khẳng định thân chủ có tuổi đời và trạng thái tâm trí phù hợp để tham gia hợp đồng.
  4. Sau cùng, các mục tiêu của hợp đồng phải là những điều hợp pháp, và trong khuôn khổ đạo đức nghề nghiệp của nhà trị liệu.
Tâm lý trị liệu theo trường phái T.A. đều phải bao gồm 4 mục tiêu chung và các mục tiêu chuyên biệt ở từng thân chủ được nêu rõ trong hợp đồng thỏa thuận.
Tiến trình trị liệu
Phân tích tương giao được thực hiện tập trung trên từng cá nhân, nhưng trong bối cảnh làm việc theo nhóm. Nhà trị liệu xem tiến trình hoạt động nhóm như một phương tiện để phân tích và cung cấp những phản hồi lại cho các thành viên về loại tương giao mà họ tham gia vào. Nhóm trị liệu được xem như một mô hình thu nhỏ của thế giới thực tế, sự khác biệt cơ bản là ở chỗ mỗi thành viên đều có mặt ở đó để làm việc theo những mục tiêu đặc hiệu và nhà trị liệu có mặt ở đó như người lãnh đạo của nhóm.
Berne (1966) cho rằng điều quan trọng thiết yếu là phải chuẩn bị thật kỹ các thành viên tham gia vào tiến trình nhóm. Tuy nhiên, phân tích tương giao có thể có hiệu quả tốt với tất cả các loại thân chủ và tất cả các loại vấn đề, và rất hiếm trường hợp vì lý do nào đó mà một thành viên bị loại khỏi nhóm.
Berne (1966) nêu rõ trong tác phẩm của mình rằng tiến trình trị liệu theo trường phái T.A. là một tiến trình “lấy người lãnh đạo nhóm làm trung tâm” (leader-centered). Mặc dù các tương giao giữa những thành viên trong nhóm với nhau là quan trọng, tuy nhiên chính tương giao giữa nhà trị liệu với từng thành viên mới là nội dung quan trọng nhất của tiến trình làm việc nhóm. Như vậy, yếu tố có vai trò góp phần vào sự thành công nằm ở hành vi của nhà trị liệu hơn là do yếu tố động lực học của nhóm (group dynamics).
Berne (1966) xem tiến trình trị liệu trải qua 4 bước. Ông cho rằng một người tìm đến trị liệu là để tái cấu trúc lại toàn bộ cuộc sống của mình, và việc này cần phải được thực hiện thông qua cả 4 giai đọan. Cách làm này có thể thật sự đúng khi áp dụng tâm lý trị liệu dài hạn, tuy nhiên, trong bối cảnh làm tham vấn, việc đặt ra những mục tiêu có thể được giới hạn lại. Nói chung, có thể hình dung tham vấn là công việc có liên quan đến hai giai đọan đầu, còn tâm lý trị liệu (dài hạn) thì liên quan đến cả hai giai đọan sau, ngay cả khi một sự phân định rõ ràng như thế cũng chẳng bao giờ được hoàn tất cả.
Bước 1: Phân tích cấu trúc (Structural Analysis)
Phân tích cấu trúc là một phần của tiến trình trị liệu; nó được thiết kế để giúp thân chủ hiểu được cấu trúc của các trạng thái cái Tôi của họ. Mục đích của phân tích cấu trúc là giúp thân chủ phát triển các trạng thái cái Tôi của họ sao cho chúng có thể vận hành đầy đủ chức năng mà không có các tình trạng ô nhiễm hoặc loại bỏ một trạng thái cái Tôi nào đó (Berne, (1966). Một khi thân chủ đã chấp nhận những trạng thái cái Tôi lành mạnh, mục đích sau cùng của giai đoạn phân tích cấu trúc là thân chủ phải đặt trạng thái cái Tôi A (Người Lớn) vào vị trí có trách nhiệm đối với đời sống của bản thân.
Bước 2: Phân tích tương giao (Transactional Analysis)
Giai đọan 2 của tiến trình trị liệu tập trung vào việc hiểu biết các loại tương giao mà bình thường thân chủ vẫn thực hiện. Một sự phân tích như thế có thể giúp thân chủ cải thiện kỹ năng giao tiếp với người khác. Việc hiểu biết các loại tương giao cũng sẽ là tiền đề để thân chủ bước sang giai đoạn 3.
Bước 3: Phân tích trò chơi (Games Analysis)
Ở giai đoạn này, tiến trình trị liệu đòi hỏi nhà trị liệu phải xác định rõ thân chủ thường nhận được phần tưởng thưởng (pay-off) là gì khi tham dự một “trò chơi” nhất định nào đó, diễn giải trò chơi cho thân chủ và khi cần có thể thách thức (confront) thân chủ về điều đó. Một khi thực hiện được việc này, nhà trị liệu có thể tạo điều kiện cho thân chủ từ bỏ trò chơi ấy.
Bước 4: Phân tích kịch bản (Script Analysis)
Thông thường nhà trị liệu không đi vào phân tích kịch bản, vì đến giai đọan này, tiến trình trị liệu gần như đã giúp thân chủ thấy được sự sai lầm của toàn bộ kịch bản sống mà họ đã chọn. Một sự phát hiện như thế nếu đi kèm với trạng thái trầm cảm có thể sẽ trở nên rất nguy hiểm, và chỉ có những nhà trị liệu T.A. có kinh nghiệm mới đi sâu vào giai đoạn này.
Những đặc trưng của một nhà trị liệu T.A.
Một nhà trị liệu theo trường phái T.A. được xem là một người hướng dẫn của tiến trình làm việc nhóm. Nhà trị liệu phải được huấn luyện các kỹ năng như phân tích các trạng thái cái Tôi, các tương giao, các trò chơi và các kịch bản sống. Nhà trị liệu phải có khả năng tương tác với các thân chủ với một tác phong cởi mở, nhiệt tình, chân thành, biết lắng nghe và quan sát. Berne cho rằng “kỹ năng thực sự nằm ở chỗ biết thâu thập và phân tích dữ liệu”.
Berne (1966) đề xuất thêm hai yêu cầu cho các nhà trị liệu: (1) Bất cứ vào thời điểm nào, họ cũng phải có khả năng xác định được trạng thái cái Tôi nào đang được thân chủ vận hành; (2) Họ phải biểu thị sự tận tâm, chân thành và lòng tin đối với thân chủ trong việc khắc phục những khó khăn. Tóm lại, nhà trị liệu T.A. được xem như những chuyên gia về lòng nhiệt tình và sự thấu cảm, là người được xem như có trách nhiệm ít nhất là bằng, thậm chí là nhiều hơn so với thân chủ, trong việc đạt đến kết quả trị liệu.
Kỹ thuật trị liệu
Có 4 loại kỹ thuật được đề xuất thực hiện bởi các nhà trị liệu T.A. Ba loại kỹ thuật “cho phép” (permission), “bảo vệ” (protection) và “sử dụng uy lực của nhà trị liệu” (potency) có liên quan đến việc thiết lập một bầu không khí cần thiết cho việc trị liệu; còn kỹ thuật thứ tư: “tác động” (operations) là những hành vi có tính chuyên biệt của nhà trị liệu.
Cho phép
Hầu hết những thân chủ tìm đến trị liệu vẫn còn ứng xử dựa trên những “mệnh lệnh của bố mẹ”. Một trong những việc đầu tiên mà nhà trị liệu phải làm là cho phép thân chủ làm những gì mà cha mẹ họ đã bảo họ không được làm (Steiner, 1973). Dusay và Steiner (1971) đã liệt kê ba lĩnh vực khác có thể cho phép, đó là:
  1. Cho phép thân chủ sử dụng thời gian của họ cùng với nhau một cách hiệu quả, nhưng không để thân chủ thực hiện những loại cấu trúc thời gian vô ích như “nghi thức” và “rút lui”.
  2. Cho phép thân chủ trải nghiệm qua tất cả những trạng thái cái Tôi, thường là bằng cách khuyến khích thân chủ sử dụng cái Tôi A để lý lẽ và dùng cái Tôi C để hưởng thụ đời sống. Việc này thường được thực hiện thông qua sắm vai, trong đó thân chủ được yêu cầu hãy thể hiện bằng hành động những tính cách của cái Tôi A và C.
  3. Nhà trị liệu cho phép không cần phải cấu trúc thời gian theo kiểu “trò chơi” bằng cách không để cho thân chủ thực hiện loại cấu trúc thời gian đó. Thân chủ sẽ không nhận được những tương tác kích thích mà họ cần đến, do vậy sẽ từ bỏ kiểu cấu trúc “trò chơi”.
Bảo vệ
Khi thân chủ được phép từ bỏ những mệnh lệnh từ bố mẹ và bắt đầu vận dụng cái Tôi A và cái Tôi C của chính mình, khi đó họ có thể trở nên lo sợ (Steiner, 1973). Đó là lý do vì sao thân chủ cần sự bảo vệ. Khi thân chủ chuẩn bị từ bỏ một phần kịch bản sống cũ, nhà trị liệu sẽ phải thuyết phục thân chủ rằng môi trường trị liệu là có tính an toàn để làm việc đó. Sự bảo vệ có thể dưới hình thức những câu nói như “Đừng sợ hãi…” hoặc “Đừng lo, bạn sẽ không bị tổn thương đâu”. Cái Tôi P của nhà trị liệu sẽ nói với cái Tôi C của thân chủ rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Uy lực của nhà trị liệu
“Nhà trị liệu (hoặc chuyên viên tham vấn) không phải là những nhà ảo thuật; họ chi biết được rằng những điều gì cần phải làm và khi nào làm những điều ấy”. Đây chính là “uy lực” (potency) của nhà trị liệu: Đó là khả năng của một nhà trị liệu trong việc sử dụng những kỹ năng của mình vào những thời điểm tốt nhất, sao cho những kỹ năng ấy đạt được hiệu quả tối ưu. Dusay và Steiner (1971) cho rằng uy lực của nhà trị liệu được kiểm định tốt nhất là dựa vào việc sau cùng thân chủ có thể rời bỏ ảnh hưởng của những mệnh lệnh xa xưa từ bố mẹ họ hay không.
Các tác động
Berne (1966) đã liệt kê 8 kỹ thuật mà ông thấy có tác dụng trong việc trị liệu. Danh sách này không có tính phổ quát, nhưng nó cung cấp cho nhà trị liệu một số hướng dẫn cần thiết:
  1. Đặt câu hỏi (interrogation) Nhiều thân chủ gặp khó khăn trong việc sử dụng cái Tôi A của họ. Khi gặp kiểu ứng xử này, nhà trị liệu phải đặt ra những câu hỏi và thân chủ sau cùng sẽ sử dụng cái Tôi A để đáp ứng lại. Bởi vì đây là một kỹ thuật gây nhiều áp lực nên nó cần được áp dụng thận trọng.
  2. Chuyên biệt hóa (specification) Sự chuyên biệt hóa xảy ra khi cái Tôi A của nhà trị liệu và cái Tôi A của thân chủ cùng đồng ý với nhau về việc xác định hành vi của thân chủ đã xuất phát từ đâu. Ví dụ, cả hai người có thể đồng ý xác định rằng một hành vi nào đó của thân chủ đã xuất phát từ trạng thái cái Tôi P. Sự chuyên biệt hóa là rất quan trọng để có thể hiểu được hoàn toàn các trạng thái cái Tôi của thân chủ.
  3. Thách thức/Đối đầu (confrontation) Trong kỹ thuật thách thức, nhà trị liệu sẽ chỉ ra cho thân chủ thấy những bất cập và không phù hợp trong hành vi hoặc lời nói của thân chủ.
  4. Giải thích (explanation) Giải thích là một hành vi có tính chỉ dẫn của nhà trị liệu, là một kiểu tương giao giữa hai cái Tôi A và A, trong đó nhà trị liệu giải thích tại sao thân chủ lại đang ứng xử theo một cách thức nào đó.
  5. Minh họa (illustration) Minh họa là một phương thức vừa để phá vỡ sự căng thẳng, vừa có tính hướng dẫn. Tính vui tươi của những hình thức minh họa có thể làm vui lòng cái Tôi C của thân chủ trong khi nội dung của thông điệp thì lại được gửi đến cái Tôi A.
  6. Xác nhận/Khẳng định (confirmation) Kỹ thuật này dùng để chỉ cho thân chủ thấy sự xuất hiện trở lại của một hành vi, mà trước đó hành vi ấy đã ngưng thể hiện sau khi nhà trị liệu làm kỹ thuật thách thức. Bằng cách này, nhà trị liệu cố gắng cho thân chủ thấy rằng họ chưa thực sự từ bỏ hành vi này và do vậy cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
  7. Diễn giải (interpretation) Thông qua kỹ thuật diễn giải, nhà trị liệu cố gắng giúp thân chủ nhìn thấy được những lý do phía sau của một hành vi cụ thể. Trong ý nghĩa này, nó rất giống với kỹ thuật diễn giải trong liệu pháp phân tâm cổ điển.
  8. Kết tinh (crystallization) Nhà trị liệu bảo với thân chủ rằng giờ đây thân chủ đã sẵn sang rời bỏ “trò chơi” (game) mà họ đã từng tham gia để nhận lấy những tương tác kích thích (stroke). Để có hiệu quả, nhà trị liệu có thể nói “Giờ đây, bạn đã có được một cách thức tốt hơn để nhận lấy những tương tác mà bạn cần”.
Ngoài các kỹ thuật trên, còn có thêm hai phương pháp tương đối mới, được phát triển bởi các đồ đệ của Berne. Những công cụ mới này cũng hữu hiệu trong việc giúp cho thân chủ hiểu được những trạng thái cái Tôi của họ, cũng như có thể hiểu được những “trò chơi” mà họ đang tham gia vào.
  • Biểu đồ các trạng thái cái Tôi (Ego-grams)
Theo Dusay (1977), người đã phát triển kỹ thuật Ego-gram, mỗi cá nhân luôn luôn có một số lượng năng lượng cố định. Vì thế, khi một người sử dụng một số lớn năng lượng để đầu tư cho cái Tôi C thì chỉ còn một ít năng lượng được dành đầu tư cho các cái Tôi A và P. “Biểu đồ các trạng thái cái Tôi được thiết lập nhằm tượng trưng cho số lượng năng lượng mà mỗi con người đầu tư cho mỗi trạng thái cái Tôi của người ấy vào một thời điểm nhất định. Một người sau khi xem xét biểu đồ các trạng thái cái Tôi của bản thân mình, sẽ biết rõ được những trạng thái cái Tôi nào của họ cần phải thay đổi, phải nâng cao, phải hạ thấp hoặc phải phát triển thêm” (Dusay, 1977).
Dưới đây là một ego-gram làm mẫu. Người được thể hiện qua biểu đồ này đang sử dụng phần lớn năng lượng tâm trí đầu tư vào cái Tôi Cha-Mẹ-Kiểm-Sóat (Controlling Parent) và cái Tôi Đứa-Trẻ-Thích-Nghi (Adapted Child). Điều này cho thấy đây là một người có tác phong khá “kềm chế”. Để hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn, người này cần phải chuyển bớt năng lượng đầu tư sang cái Tôi Đứa-Trẻ-Tự-Do (Free Child). Bằng cách sử dụng biểu đồ các trạng thái cái Tôi, nhà trị liệu có thể giúp thân chủ thấy được họ phải đi đến đâu để đạt được mục đích của mình.
Chú thích (trái sang phải):
  • P Controlling: Cái Tôi Cha Mẹ (Kiểm soát)
  • P Nurturing: Cái Tôi Cha Mẹ (Bảo dưỡng)
  • A: Cái Tôi Người Lớn
  • C Free: Cái Tôi Trẻ Em (Tự do)
  • C Adapted: Cái Tôi Trẻ Em (Thích nghi)
  • Tam giác Karpman
Tam giác Karpman được phát triển để giúp con người có thể hiểu được những “trò chơi” nào đang chiếm ưu thế trong cuộc sống của họ. Việc này được dựa trên giả định rằng những “người chơi” có thể sẽ đảm nhận một trong ba vai trò sau: “kẻ gây hại” (P: persecutor), “người cứu hộ” (R: rescuer) và “nạn nhân” (V: victim).
Tam giác Karpman được thể hiện như sau:
P
  
V R
Nói chung, mỗi người đều có một vai trò mà mình ưa thích, mặc dù ở những thời điểm khác nhau, một người vẫn có thể đảm nhận bất kỳ vai trò nào đó trong số 3 vai trò này (Wollams, Brown & Huige, 1977). Người nào cảm thấy mình trội hơn người khác thường đảm nhận vai trò “kẻ gây hại”; người cảm thấy mình có nhiều hiểu biết thường đảm vai “người cứu hộ”; còn vai trò “nạn nhân” thường được chấp nhận bởi những người thích cảm thấy mình bất lực.
Cũng như biểu đồ các trạng thái cái Tôi, Tam giác Karman có thể giúp cả thân chủ lẫn nhà trị liệu hiểu được những “trò chơi” mà thân chủ đang tham gia để nhận được những tương tác kích thích cần thiết cho sự tồn tại của họ.
Để có thể sử dụng Biểu đồ các trạng thái cái Tôi và Tam giác Karpman, nhà trị liệu cần có những hiểu biết sâu về phân tích tương giao. Một sự hiểu biết nông cạn có thể dẫn đến những sai lầm và gây phương hại cho thân chủ.
TÓM LẠI
Bài viết này trình bày một tổng quan về phương pháp phân tích tương giao, liên quan đến sự phát triển nhân cách và áp dụng vào trị liệu. Cần đọc thêm các tác phẩm và bài viết của các tác giả trong trường phái này, đặc biệt là của Eric Berne.
Vì phương pháp phân tích tương giao về cơ bản tập trung vào cá nhân nhưng trong khuôn khổ làm việc nhóm, cho nên nhà trị liệu nào quan tâm đến việc áp dụng phương pháp này cần có một nền tảng hiểu biết chắc chắn về động lực học của nhóm (group dynamics) và sau đó cần được đào tạo về các nguyên lý của T.A.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét