17 tháng 4 2013


Nguyên tắc đạo đức trong tham vấn
 Để giúp cho quá trình tham vấn đạt được thành công và đồng thời để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Trung tâm Tham vấn Hoàng Nhân cam kết thực hiện những nguyên tắc đạo đức tham vấn dưới đây:
1. Tôn trọng
Tôn  trọng là nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ con người nói chung. Người ta chỉ có thể làm việc với nhau khi hai người cảm thấy có được sự tôn trọng những đặc điểm, giá trị mà người ấy vốn có. Trong tham vấn thì điều này càng cần thiết hơn bởi những điều khách hàng nói ra là rất riêng tư, thầm kín, không dễ bộc lộ với người khác.
Tôn trọng những đặc điểm riêng này phải đi cùng với tôn trọng quyền tự chủ của khách hàng. Giúp khách hàng khỏe mạnh về mặt tâm trí cũng có nghĩa là giúp họ không phụ thuộc, dựa dẫm vào nhà tham vấn. Hơn nữa, mỗi người có tiềm năng và có trách nhiệm chịu trách nhiệm với cuộc sống với hành động của bản thân mình. Do vậy nhà tham vấn phải tôn trọng quyền tự quyết của khách hàng.

2. Chấp nhận vô điều kiện
Bạn được nhà tham vấn chấp nhận với tất cả những điểm tốt điểm xấu, điểm mạnh điểm yếu, những giá trị khác biệt hay đôi khi là đối ngược lại với nhà tham vấn.
Chấp nhận không có nghĩa là đồng tình ủng hộ kể cả với những hành vi phạm tội, mà là nhìn nhận khách hàng dưới góc độ tổng thể, có cả điểm tiêu cực và tích cực.
Chấp nhận không chỉ biểu hiện ra thái độ bên ngoài không phê phán mà phải ở cả trong chính cảm xúc, suy nghĩ của nhà tham vấn.
Chấp nhận để khách hàng cảm thấy mình có giá trị, đáng được quan tâm, cảm giác an toàn để bộc lộ được những tâm sự thầm kín.
3. Bí mật
Nhà tham vấn có trách nhiệm tôn trọng tính bí mật riêng tư về mặt thông tin của khách hàng. Những thông tin được giữ bí mật là tất cả những gì có thể khiến xác định danh tính của khách hàng như tên, tuổi, địa chỉ, và bất cứ thông tin nào mang tính đặc trưng riêng của cá nhân cũng như nội dung thông tin mà khách hàng đã chia sẻ trong quá trình tham vấn.
Trong trường hợp khách hàng cho phép hoặc khi khách hàng có nguy cơ gây tổn hại tới bản thân hoặc người khác, hay khi tòa án yêu cầu tiết lộ thông tin thì nhà tham vấn có thể tiết lộ thông tin của khách hàng. Tuy nhiên nhà tham vấn nên tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn khác về mức độ tiết lộ và thông báo cho khách hàng trước khi hành động.
4. Trung thực
Nhà tham vấn có nghĩa vụ trung thực với khách hàng và với chính bản thân mình. Có nghĩa là nhà tham vấn không nói cái mình không biết hoặc chưa rõ. Khi nhà tham vấn ở trạng thái không sẵn sàng làm việc thì cần tạm dừng để tránh làm hại đến khách hàng.
5. Mối quan hệ giữa khách hàng và nhà tham vấn
Đây là mối quan hệ mang tính chất nghề nghiệp. Nhà tham vấn và khách hàng không được có mối quan hệ tình cảm yêu đương hay quan hệ tình dục với khách hàng ít nhất trong khoảng thời gian 2 năm kể từ khi kết thúc mối quan hệ tham vấn.
Khi khách hàng và nhà tham vấn nảy sinh tình cảm yêu đương thì quá trình tham vấn cần dừng lại hoặc thay thế nhà tham vấn khác.
Nhà tham vấn không được phép lạm dụng vị trí của mình để áp đặt hay ép buộc khách hàng trong bất cứ việc gì
Nhà tham vấn không được lợi dụng tiền bạc từ khách hàng thông qua việc nhận quà hay kéo dài thời gian tham vấn để thu phí.
6. Những quyền lợi của khách hàng
5.1. Khách hàng được quyền biết về tiến trình và cách thức áp dụng (lý thuyết/trường phái) trong quá trình tham vấn
5.2. Khách hàng có quyền biết về những hạn chế và nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình tham vấn
5.3. Khách hàng có quyền biết về danh tính, năng lực, bằng cấp chuyên môn của nhà tham vấn và lựa chọn nhà tham vấn
5.4. Khách hàng có quyền được biết về quá trình lưu trữ thông tin trong tham vấn
5.5. Khách hàng có quyền được đảm bảo bí mật về thông tin họ chia sẻ (với nhà tham vấn). Trong những trường hợp phải chia sẻ thông tin với một đối tượng khác thì họ có quyền được thông báo trước
5.6. Khách hàng có quyền tiếp tục hay từ chối dịch vụ tham vấn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét