05 tháng 10 2013

Ba quyết định để đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chiến dịch Biên Giới  (1950), Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) là ba trận đánh lịch sử của dân tộc Việt Nam và là kết quả thực hiện ba quyết định để đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Hủy Cao Bằng, chọn Đông Khê để “đánh điểm, diệt viện”
Quyết định lịch sử đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bỏ Cao Bằng, chọn Đông Khê để “đánh điểm, diệt viện” trong chiến dịch Biên Giới (1950). Năm đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam chuẩn bị một chiến dịch đánh vào chuối cứ điểm “lá chắn Bô-phrơ” của Pháp trên tuyến đường số 4, nối liền Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng. 
Đối với Pháp, đây là vành đai chia cắt chiến khu Việt Bắc với thế giới, qua cửa ngõ biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Nếu để mất tuyến đường số 4 vào tay Việt Minh, làn sóng giải phóng dân tộc sẽ tác động mạnh mẽ tới các thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Riêng ở Việt Nam, nếu Pháp mất kiểm soát đường 4, thì quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương không chỉ đối mặt với những trận đánh du kích lẻ tẻ mà phải chịu đòn trong những trận đánh lớn. 
Ban đầu, phía ta chủ trương đánh cứ điểm Cao Bằng, vì đây là một cứ điểm có thành phố lớn. Nếu hạ được Cao Bằng uy thế sẽ rất vang dội. Nhiều đơn vị đã được điều đi nghiên cứu địa hình Cao Bằng và chuẩn bị phương án tác chiến. Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trực tiếp đi nắm tình hình địch.
Ba quyết định để đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp các tù binh Pháp sau chiến thắng Biên giới 1950
Trong chuyến “thị sát”, Đại tướng nhận thấy, địa hình Cao Bằng hiểm trở, ba mặt có sông bao quanh, mặt sau hiểm trở. Bản thân pháo đài Cao Bằng được xây hết sức kiên cố vững chắc, địa hình tiến đánh hết sức khó khăn. Vì vậy, Đại tướng đã quyết định không chọn đánh Cao Bằng. Thay vào đó, qua tìm hiểu nghiên cứu, Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu chọn Đông Khê, một cứ điểm khác trên tuyến đường số 4 để “đánh điểm, diệt viện”. Đây là vị trí mà phía Pháp có bố trí canh phòng ít hơn ở Cao Bằng. Địa hình xung quanh là rừng núi, phù hợp để quân ta mai phục, ẩn nấp tiếp cận cứ điểm. Phương án này sau khi báo cáo lên Hồ Chủ tịch đã được thông qua.
Ngày 16/9/1950, chiến dịch Biên Giới chính thức diễn ra bắt đầu với tiếng súng tấn công đồn Đông Khê. Đúng như dự đoán của ta, cứ điểm Đông Khê nhanh chóng bị hạ. Ở Cao Bằng – cứ điểm mạnh như bị cô lập và uy hiếp sau khi Đông Khê thất thủ, quân Pháp đứng ngồi không yên buộc phải rút lui và rơi vào thế trận “diệt viện” của quân ta bố trí dọc đường số 4. Một cánh quân khác của Pháp lên ứng cứu cho địch đi từ phía Lạng Sơn cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Kết thúc toàn chiến dịch, quân ta có khoảng vài trăm bộ đội bị hy sinh. Phía Pháp, ngoài số bị tiêu diệt, số tù binh lên tới 8.000 quân, đông chưa từng có kể từ khi bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến. Không chỉ vậy, quân đội ta còn thu được hàng ngàn tấn chiến lợi phẩm, đủ trang bị cho các sư đoàn chủ lực mới được thành lập. Thậm chí, số đạn pháo thu được sau chiến dịch còn dùng để cung cấp cho chiến trường Triều Tiên cũng như chiến dịch Điện Biên Phủ sau này. Nhưng quan trọng hơn cả, là tuyến biên giới Việt – Trung được khai thông, phá thế bao vây căn cứ địa Việt Bắc với các nước bè bạn trên thế giới.
Chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc”
Với quyết định sáng suốt chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc”, trận chiến lịch sử tại Điện Biên Phủ 1954, dưới sự chỉ huy tài tình của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã nhanh chóng giành được thắng lợi.
Bước sang giai đoạn tổng phản công 1953-1954, tình hình chiến sự trên bán đảo Đông Dương bước sang những thời khắc quan trọng cuối cùng. Đó là khi Pháp biến Điện Biên Phủ thành cụm tập đoàn cứ điểm nhằm thu hút lực lượng chủ lực của Việt Minh và tiêu diệt. Đây là một kiểu bố trí quân sự liên hoàn, được ví là hình ảnh của “con nhím” tua tủa đầy gai chĩa ra xung quanh. Nhận thấy, đây là một cơ hội đánh đòn quyết định với Pháp, ban lãnh đạo Chính phủ kháng chiến Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận định, sẽ phải tiêu diệt Pháp ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, trước trận đánh lịch sử này, phía ta đã lên phương án tác chiến: Dồn tổng lực đánh tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm này trong 3 ngày đêm.
Ba quyết định để đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo đó, toàn bộ sức mạnh của dân tộc được huy động cho trận đánh lịch sử này. Hàng đoàn dân công tiền tuyến tiếp lương, tải đạn trên những con đèo dốc, quanh co, rình rập bởi bom đạn máy bay Pháp. Bộ đội “bồng hàng tấn pháo lên non”, chĩa hỏa lực mạnh nhất vào các vị trí của Pháp trong cụm cứ điểm Điện Biên Phủ. Tất cả công tác đã hoàn tất, chỉ chờ lệnh tổng tiến công. Tuy nhiên, cũng trong thời khắc lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã phải đứng trước những cân nhắc cực kỳ khó khăn.
Điện Biên Phủ không phải là tập đoàn cứ điểm đầu tiên mà quân đội ta tiến công. Trước đó, vào cuối chiến dịch Tây Bắc 1952, để tái cân bằng thế bố trí với lực lượng Việt Minh đang thắng như chẻ tre ở đây, Pháp cho quân tức tốc xây dựng cụm tập đoàn cứ điểm Nà Sản.  Đây là hình thái bố trí quân sự liên hoàn, các cụm cứ điểm liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau tối đa trong cả tấn công và phòng thủ. Thêm vào đó, phải kể tới sự chi viện đắc lực của hỏa lực cơ động từ xe tăng và máy bay. Khi tấn công vào cụm cứ điểm này, quân đội ta đã chịu nhiều thương vong. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải ra lệnh ngừng tấn công Nà Sản để bảo toàn khí thế chiến thắng và tránh thương vong cho bộ đội.
Hơn nữa, tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ được Pháp xây dựng và phát triển trong một thời gian lâu dài hơn, với nguồn vật tư và nhân lực to lớn hơn. Không phải không có cơ sở để Pháp tuyên bố “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm”.
Chính từ những nghiên cứu tình hình thấu đáo, sau nhiều đêm thức trắng đau đáu tìm phương án tác chiến tối ưu nhất để hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cũng như bảo toàn tối đa sinh lực của bộ đội ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã đưa ra một quyết định sáng suốt: chuyển phương châm đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc, còn được gọi là đánh bóc vỏ.
Với kế hoạch này, chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra không phải trong 3 ngày mà là 65 ngày đêm với kết quả toàn thắng.
“Thần tốc, thần tốc đại thần tốc…”
Ngày 31/3/1975, trong cuộc họp mở rộng, Bộ Chính trị nhận định: Thời cơ chiến lược để tiến hành tổng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Nghị quyết của Bộ Chính trị nhanh chóng được quán triệt đến toàn quân, toàn dân. Cả nước tưng bừng khí thế ra trận "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng". Từ ga Hàng Cỏ, các cảng sông, cảng biển, sân bay... các đoàn tàu hỏa, thuyền, máy bay, kể cả một số máy bay chở khách cũng được huy động để chở bộ đội, xe tăng, pháo lớn, vũ khí, đạn... huy động cho chiến trường miền Nam.
Bộ đội ta đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu
Ngày 7/4, một mệnh lệnh ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được truyền nhanh đến từng cán bộ, chiến sĩ "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng". Trên thành xe, trên mũ, trên thân cây dọc đường... mệnh lệnh được viết thành khẩu hiệu, thôi thúc đoàn quân nhanh hơn nữa. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã tập trung được một lực lượng lớn đến mặt trận. Theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị "đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh".
Sau những thất bại ở Phan Rang, Xuân Lộc, kế hoạch phòng thủ từ xa bị phá sản, quân địch rất hoang mang, đối phó bị động. Ngày 23-4, Tổng thống Mỹ tuyên bố "cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ" và lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn. Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công giải phóng Sài Gòn từ năm hướng: tây - bắc; bắc - đông bắc; đông - đông nam; tây và tây nam. Năm mục tiêu chủ yếu ở nội thành được xác định là: Bộ Tổng tham mưu; sân bay Tân Sơn Nhất; Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô; Tổng nha Cảnh sát; dinh Độc Lập. Từ ngày 20 đến ngày 25/4, các đơn vị lần lượt vào vị trí triển khai, chờ lệnh nổ súng.
17h ngày 26/4/1975, trận tổng công kích vào Sài Gòn bắt đầu. Chiến trường Nam bộ bùng lên như một cơn lốc. Ở Tổng hành dinh, tin chiến thắng dồn dập bay về. Đến chiều 28/4, sau hai ngày đêm chiến đấu, quân đội ta đã phá vỡ các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, tăng cường vây ép Sài Gòn. Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy bỏ chạy. Trần Văn Hương từ chức tổng thống, Dương Văn Minh lên thay.
Sáng 29/4, tại Tổng hành dinh, Bộ Tổng tham mưu báo cáo tình hình chiến sự trên chiến trường, các mục tiêu lần lượt được giải phóng. 5h30 sáng 30/4/1975, từ khắp các hướng, bộ đội ta ào ạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tiếng xe tăng, tiếng động cơ của hàng nghìn xe cơ giới vang rền, chấn động các ngả đường vào nội thành. 10h45, xe tăng 843 và xe tăng 390 dẫn đầu đoàn quân húc đổ cánh cổng sắt đánh chiếm dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. 
H.Minh 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét