05 tháng 10 2013

Bức điện “Thần tốc, táo bạo…” của Tướng Giáp qua tay những ai?
 Người chuyển không hề biết đó là bức điện “Thần tốc, táo bạo”, người mã hóa lo không hoàn thành nhiệm vụ, còn người nhận lệnh khi đọc lên thấy âm vang như lời hịch.
Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định chớp thời cơ, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 thay vì hai năm như trước đây. Bức điện khẩn: Thần tốc, thần tốc hơn nữa... tự tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tên được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời Hịch tướng sĩ.
Người chuyển: Miền Nam giải phóng mới biết mình được chuyển bức điện mật của Tướng Giáp
Trên báo Bắc Ninh ngày 26/04/2013 có bài ghi lại tâm sự của ông Nguyễn Bá Lứu – người chuyển bức điện “thần tốc, táo bạo…” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Lứu cho biết: “Là người báo vụ, nhận điện về hay chuyển điện đi đều không biết nội dung. Công việc gắn bó với chiếc cần ma-níp, ngôn ngữ giao tiếp bằng tiếng “tạch-tè”. Cũng từ đặc điểm này mà sau ngày 30-4, miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi mới được biết chính mình là người trực tiếp chuyển bức điện truyền đạt mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến các mặt trận, cánh quân”.
Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 7-4-1975.

Theo hồi tưởng của ông Lứu, bước sang tháng 4/1975, không khí làm việc của toàn đơn vị vô cùng khẩn trương, sôi động. Cấp trên chỉ thị cho tất cả các đài mở máy liên tục, bảo đảm tín hiệu tốt nhất, cập nhật thông tin trên mọi ngả, hướng chiến trường.
“Sáng ngày 7/4/1975, đầu ca trực tôi được Tiểu đoàn trưởng quán triệt: đồng chí là trưởng ca phải bảo đảm liên tục giữ vững liên lạc thông suốt, yêu cầu nhận điện đến, chuyển điện đi nhanh, gọn, chính xác tuyệt đối, không giải quyết nghỉ phép cho bất kỳ cán bộ, chiến sĩ nào. Khoảng hơn 9h, tôi trực tiếp chuyển bức mật điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tín hiệu tốt, thao tác nhanh, chính xác nên chỉ mất khoảng 15 phút là chuyển xong”, ông Lứu kể.
Người mã hóa: Mệnh lệnh của Đại tướng là “kim chỉ nam” tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù.
 Đại tá Nguyễn Đức Mãi, nguyên cán bộ cơ yếu Đoàn 559… cũng là người vinh dự được cấp trên lựa chọn để mã hóa và truyền đi bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa…”. Ông Mãi luôn coi đó là vinh dự nhất của cuộc đời mình. 
Trên Công an nhân dân số ngày 12/5/2010, ông Mãi cho biết: ngày 7/4/1975, ông nhận được chỉ thị từ Ban Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu, giao một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là mã hóa bức điện mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, truyền tới tất cả các đơn vị trên đường Trường Sơn, với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận. Giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc tới đảng viên và chiến sĩ”.
“Nhận được nội dung bức điện mật quan trọng này, lúc đó tôi rất lo, làm sao hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, chẳng nghĩ được điều gì khác cả”, ông kể. 
Đồng chí Nguyễn Đức Mãi (người ngồi ngoài cùng bên phải) trong những năm ở Trường Sơn
Theo chỉ thị, ông phải mã hóa bức điện theo mã mới và phát trên làn sóng vô tuyến đến các đơn vị đang làm nhiệm vụ bảo vệ đường Hồ Chí Minh và đội hình hành quân đang rầm rập tiến vào Nam. Khi phát lên vô tuyến thì có nghĩa là cả quân ta và quân địch đều thu được tín hiệu, nên yếu tố bảo mật là quan trọng nhất.
Ngày hôm sau, ông và anh em trong đơn vị cơ yếu phải dò sóng, nghe ngóng xem kẻ địch có phát hiện được nội dung bức điện không, nhưng “nó” đã được đảm bảo yếu tố bí mật tuyệt đối, các lực lượng của địch không có phản ứng lớn. Tuy nhiên, phải nhiều ngày sau, khi tiếp nhận, mã dịch và chuyển ra Bắc những trận đánh thắng của quân và dân miền Nam trên khắp các chiến trường, ông mới cảm thấy sung sướng và thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời truyền đạt sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Mệnh lệnh của Đại tướng ngay sau đó đã được các cánh quân tiếp nhận và là “kim chỉ nam” tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù.
“Khi tiếp nhận tin và mã dịch bức điện báo tin quân ta đã tiến quân vào Dinh Độc Lập, anh em trong đội cơ yếu của tôi đã ôm nhau khóc òa sung sướng”, ông Nguyễn Đức Mãi xúc động nhớ lại. 
Người nhận: Mệnh lệnh “thần tốc, táo bạo” như một lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong bài viết đăng trên báo Quân đội nhân ngày 14/9/2010, Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ: “Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã có những lần nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà khi đọc lên, mệnh lệnh đó âm vang trong tâm hồn như một lời hịch của non sông đất nước. Đặc biệt phải kể tới là ngày 7/4/1975, trên đường hành quân tiến về Sài Gòn, tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.
Trong bài viết này, Trung tướng Phạm Hồng Cư cũng cho biết, khi đó là phái viên của Tổng cục Chính trị theo sát cánh quân Duyên Hải, ông giúp đồng chí Lê Quang Hòa truyền đạt tức khắc mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến khắp các đơn vị thuộc cánh quân Duyên Hải. Cánh quân này do đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa là Bí thư Ban cán sự Đảng lâm thời, mới thành lập, không nằm trong dự kiến từ trước gồm lực lượng Quân đoàn 2 vừa giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5, các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh, có nhiệm vụ đánh địch trong hành tiến, khẩn trương hành quân để đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Thấm nhuần mệnh lệnh của Đại tướng, cánh quân Duyên Hải hồ hởi lên đường như được chắp cánh bay về Nam, bảo đảm tốc độ nhanh.
Sau 23 ngày nhận và chỉ đạo bức điện “thần tốc, táo bạo” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều tỉnh ở Nam bộ đã được giải phóng. Và giây phút lịch sử của toàn dân tộc cũng đã đến. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4…chiếc xe tăng 843 dẫn đầu đến cổng dinh thì dừng lại, xe tăng 390 vượt lên húc đổ cổng dinh và Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng cầm cờ Giải phóng trèo lên cắm trên nóc Dinh Độc Lập.
“Cho đến nay, 35 năm đã trôi qua, tôi không thể nào quên cảm giác đã đến với mình trong ngày lịch sử ấy khi tôi bước vào thảm cỏ khoảng sân trước Dinh Độc Lập. Vui mừng khôn xiết nhưng bỗng dưng hai mắt nhòa ngấn lệ”, Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ.
H.Minh 
Tin Mới/Seatime

0 nhận xét:

Đăng nhận xét