09 tháng 10 2011

MỖI CÕI LÒNG, MỘT CẢNH ĐỜI  
BS NGUYỄN MINH TIẾN
Tp.HCM, 30-03-2008
 
Đây là bài viết mà tôi đã thực hiện như bài thu hoạch cuối khóa học Tâm Lý Trị Liệu Gia Đình và Can Thiệp Hệ Thống. Bài đã viết bằng tiếng Anh và cũng đồng thời được đăng trong trang web này. Nay xin đăng tải bản tiếng Việt để bạn đọc tham khảo dưới một tựa đề mới.


1.
Tôi không thể xác định rõ vào lúc nào mà tâm lý trị liệu đã trở thành một chuyên ngành rất lý thú đối với tôi, dù trước đó tôi đã tốt nghiệp đại học y khoa và đã có ba năm làm việc tại một bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi. Tôi nhớ đã có một bước ngoặc trong đời mình vào năm 1992, năm năm sau khi ra trường, khi tôi bắt đầu vào làm việc cho một trường dạy trẻ khiếm thính và làm việc ở đó trong hai năm. Từ lúc ấy trở đi, tôi đã tiếp nhận rất nhiều những thông tin và kiến thức từ những ngành khoa học khác không phải y khoa và những kiến thức ấy dần dần choáng lấy suy nghĩ của tôi những khi tôi làm việc với những đối tượng của mình, nhất là với những trẻ em. Tôi nhận ra đã có những thay đổi trong nghề nghiệp của mình. Mặc dù tôi vẫn làm việc như một thầy thuốc, nhưng không phải với những người bệnh, không phải trong một bệnh viện và cũng không phải khoác chiếc áo choàng trắng mang tính biểu tượng của ngành nghề mình. Tôi đã học hỏi được nhiều điều từ những trẻ em bị điếc, từ cha mẹ chúng và từ những nhân viên trong ngôi trường ấy. Lúc khởi đầu công việc, những đứa trẻ khiếm thính ấy đã làm cho các kiến thức mà tôi học được từ trường y trở nên vô dụng và tất cả những gì đầu tiên tôi có thể làm được là sửa chữa những chiếc dây bị hư của những chiếc máy trợ thính của các em! Tuy nhiên, với thời gian, tôi nhận ra một cách rõ ràng rằng những đứa trẻ kia không cần tôi “chữa lành” bệnh cho chúng, điều mà các em cần là những cơ hội giáo dục và học tập tốt (chứ không phải là để “phục hồi” những chức năng mà vốn dĩ các em đã không có). Mặc dù có những trở ngại trong việc học tập, những trẻ điếc ấy đã thể hiện như những người “hạnh-phúc-trong-sự-kém-may-mắn” và tôi thực sự không biết được điều gì đã khiến các em có nhiều nghị lực như thế!
Trong thời gian này, tôi bắt đầu được nghe nói về một tổ chức có tên là Trung tâm NT (tức Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em), một tổ chức ngoài công lập do BS Nguyễn Khắc Viện thành lập với mục đích nghiên cứu về tâm lý trẻ em, một tổ chức mà về sau đã có ảnh hưởng lớn lao trên định hướng nghề nghiệp của bản thân tôi. NT đã xây dựng nên nhiều phòng khám tình nguyện trên cả nước, huấn luyện nhân viên, tổ chức hội thảo, xuất bản sách vở về tâm lý trẻ em và bắt đầu áp dụng tâm lý trị liệu cho những trẻ em có các vấn đề về tâm lý. Nhưng phải mất khoảng 5, 6 năm để NT phát triển những công việc này. Về phần mình vào lúc ấy, những mối quan tâm của tôi về ngành tâm lý bắt nguồn từ thực tế làm việc với trẻ em khiếm thính, từ những bài báo cáo trong các hội thảo và từ các bài giảng trong những lớp huấn luyện về trẻ khuyết tật do các chuyên gia giáo dục Úc và Hà Lan cung cấp. Mãi cho đến năm 1997, khi tôi trở thành thành viên của NT2 (chi nhánh của Trung tâm NT tại Tp.HCM), tôi mới thực sự có cơ hội học tập và thực hành tâm lý lâm sàng, một chuyên ngành mà tôi đã không được học từ trường đại học y khoa.
Chính tại NT2 mà tôi đã có những bước đi đầu tiên trong thực hành tâm lý trị liệu, một việc mà ban đầu không có vẻ gì là “y khoa” cả! Những nhà tâm lý trị liệu Pháp (phần lớn trong số những ngưòi tôi đã gặp là những nhà phân tâm) đã có ảnh hưởng lớn trên quan điểm và học thuyết của NT. May thay, BS Nguyễn Khắc Viện, người sáng lập NT, lúc sinh thời vốn là người có quan điểm chiết trung. Trong các tác phẩm của mình như Tâm Lý Lâm Sàng Trẻ Em Việt NamTâm Lý Gia Đình, ông khuyến khích các nhà tâm lý Việt Nam nên có thái độ linh hoạt và tổng hợp khi vận dụng các học thuyết và phương thức khác nhau vào thực tiễn lâm sàng của mình. Ông có biệt tài tổng hợp các học thuyết của phương Tây với minh triết phương Đông và diễn dịch các thuật ngữ phương Tây kết hợp với các ngôn từ Hán Việt sẵn có. Ngoài ra, ông có lẽ là người Việt Nam đầu tiên nêu lên sự hữu ích của các học thuyết trị liệu hệ thống, giới thiệu chúng trong các tác phẩm của mình và phát hiện ra những tương đồng giữa lý thuyết hệ thống với các quan niệm truyền thống về gia đình của người Việt Nam. Ông là một trong số những người tiên phong trong việc phát triển lĩnh vực tâm lý lâm sàng tại Việt Nam sau chiến tranh. Cùng thời gian ấy, tôi cũng rất phấn khởi khi vốn tiếng Anh của mình ngày càng cải thiện và điều này đã giúp tôi lĩnh hội được những lý thuyết rất khó nuốt trôi từ các sách vở, tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh mà tôi có được.
Ca lâm sàng đầu tiên mà tôi thực hiện là trường hợp một bé trai tám tuổi được ông ngoại dẫn đến phòng khám NT2 vào năm 1998. Trong vài tháng trước đó, bé trai này vướng phải một số vấn đề kỷ luật ở trường và có biểu hiện hiếu động hơn lúc trước. Trẻ có quá trình phát triển bình thường và có kết quả học tập tốt trong hai năm đầu ở trường tiểu học. Khi hỏi chuyện về quá khứ, tôi được biết rằng người mẹ là con duy nhất trong gia đình bên ngoại, còn người bố từ lâu đã rời bỏ quê nhà vào lập nghiệp và sống một mình ở Tp.HCM trước khi cưới mẹ của đứa trẻ. Ông ngoại, vì ước mong có được một đứa con trai, đã yêu cầu người mẹ cho ông nhận đứa cháu trai đầu tiên này làm con nuôi. Trẻ ở với ông bà ngoại và sau đó được yêu cầu gọi người ông bằng “ba” trong khi người bố ruột thường đi xa nhà để làm việc. Vào lúc tôi gặp trẻ, mẹ đã sanh thêm đứa con trai thứ hai, lúc ấy khoảng 6 tháng tuổi. Một lần nữa, người mẹ lại đưa hai đứa con trai về sống ở nhà ông bà ngoại để có người phụ giúp công việc chăm sóc cháu bé, để lại người bố sống một mình trong ngôi nhà riêng của hai vợ chồng. Trong buổi tiếp xúc, tôi nhận thấy đứa bé rất dễ gần, thông minh và có vẻ được giáo dục tốt. Tôi đã trò chuyện cùng trẻ, lúc thì bằng lời nói trao đổi với nhau, lúc thì dùng trò chơi hoặc bằng vẽ tranh, và cậu bé đã “kể” cho tôi – thông qua một trong số những bức tranh mà trẻ vẽ - về một người đàn ông mà cậu gọi là “bố” đang đứng dưới một tàn cây bên ngoài một ngôi nhà mà cửa đang đóng kín. Điểm quan trọng trong bức tranh đó là cậu đã không vẽ bất cứ chi tiết nào trên gương mặt của người đàn ông kia – không mắt, không mũi, không miệng, không có gì cả... – điều này khác hẳn những bức vẽ hình người của những đứa trẻ bình thường cùng tuổi với cậu. Giờ đây khi xem xét lại, tôi nhận thấy rằng người “đàn ông không có gương mặt” trong bức tranh của cậu bé có thể mang một ý nghĩa ẩn dụ cho sự nhầm lẫn của cậu bé về vai trò của hai “người cha” trong đời của mình. Nhưng vào thời gian ấy, những gì tôi muốn thực hiện chỉ đơn giản là nhằm chia sẻ những ý kiến của tôi với hai người đàn ông quan trọng này về những khó khăn mà cậu bé đang gặp phải và về những gì họ có thể làm để giúp đỡ cậu. Phiên trị liệu kế tiếp được diễn ra với sự hiện diện của ông ngoại và người bố của cậu bé (người mẹ vắng mặt vì phải ở nhà chăm con). Chủ đề tế nhị liên quan đến vai trò của người cha đã được đề cập đến và được thảo luận với mục đích nhắm đến việc củng cố trách nhiệm của người bố trong việc chăm sóc đứa con trai của ông. Rất may, trong buổi gặp ấy tôi đã nhận được sự hợp tác tốt từ cả hai người đàn ông này, mặc dù có thoáng một chút vẻ áy náy xuất hiện trên gương mặt của ông ngoại như thể ông đang suy nghĩ về “lỗi lầm” của mình (đây cũng là điều duy nhất xảy ra mà tôi không ngờ tới trước). Dẫu sao, tôi cũng đã trải nghiệm được ca lâm sàng đầu tiên này với những cảm xúc tích cực. Tôi thấy mình có can đảm hơn và tự tin hơn để có thể đi sâu hơn vào lĩnh vực đặc biệt này. Về sau, khi quá trình thực hành của tôi được tiến triển, tôi cũng nhận ra được rằng thật là không cần thiết, thậm chí có khi không có lợi, nếu một nhà trị liệu tâm lý cố gắng chứng minh nguyên nhân của một vấn đề giống như cách mà các bác sĩ tìm kiếm nguyên nhân của một căn bệnh.
Vào năm 1999, tôi có cơ hội được trình bày một ca lâm sàng khác trong một cuộc hội thảo nhỏ và dưới sự giám sát của Giáo sư người Pháp, Claude Pigott, một bác sĩ tâm thần đồng thời là một nhà phân tâm chuyên về trị liệu gia đình. Đó là trường hợp một bé trai năm tuổi bị tự kỷ có bố mẹ đang gặp phải những vấn đề khó khăn trong hôn nhân. Đó là một kỷ niệm khó quên khi lần đầu tiên tôi sử dụng genogram (biểu đồ gia tộc) làm công cụ để trình bày về gia đình của đứa trẻ (Cũng phải nhắc đến BS. Nguyễn Văn Khuê, người phụ trách đầu tiên của NT2, nhờ ông mà tôi có được bản photo của quyển sách Changing Family Life Cycle – A Framework for Family Therapy của hai tác giả Monica McGoldrick và Betty Carter, mà từ đó tôi đã rút ra được những hiểu biết cần thiết về cách sử dụng genogram). Với sự giám sát của GS. Pigott, lần đầu tiên tôi nhận được những lời góp ý như sau: “sự thấu cảm với nỗi khổ của một người vợ có thể vẫn chưa đủ, bởi vì người chồng (vắng mặt trong các phiên trị liệu) có thể cũng gặp nhiều khó khăn và đau buồn tương tự”. Về sau tôi được biết đó chính là thái độ của một nhà trị liệu gọi là “sự thiên vị đa hướng”, một khái niệm quan trọng mà tác giả Nagy đã nói đến trong lý thuyết của ông.
Đầu năm 2001, cơ sở NT2 ngưng hoạt động và tôi phải thành lập riêng cơ sở khác để tiếp tục làm việc. Tôi trở lại trường đại học và tham dự khóa đào tạo sau đại học về chuyên khoa tâm thần. Khi hoàn tất khóa học vào năm 2003, có hai sự việc xảy đến làm cho tôi có khả năng tiếp tục đi sâu hơn vào lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Việc thứ nhất là tôi được tuyển vào làm việc bán thời gian trong một trung tâm cai nghiện ma túy tư nhân với vai trò như một tham vấn viên cho người nghiện, ngoài công việc chuyên về trị liệu tâm lý trẻ em mà tôi vẫn tiếp tục thực hiện sau khi NT2 ngưng hoạt động mãi cho tới nay. Việc thứ hai, đó là tôi đã tham gia khóa đào tạo về tâm lý trị liệu hệ thống với sự khuyến khích của BS. Lâm Xuân Điền, lúc đó là giám đốc Bệnh viện Tâm Thần Tp.HCM.
Thực tế là những khóa huấn luyện như thế luôn rất cần thiết cho sự phát triển của ngành tâm lý trị liệu cũng như sự phát triển của các dịch vụ sức khỏe tâm thần nói chung tại Việt Nam. Những gì mà tôi tiếp thu được từ khóa học này, nhờ vào những giảng viên rất nhiệt tình phụ trách giảng dạy, vẫn sẽ tiếp tục theo tôi trong công việc thực hành của mình. Từ góc độ một người học và một người thực hành, tôi nghĩ rằng chỉ bằng cách học tốt mới có thể thực hành giỏi, và ngược lại, có thực hành khổ luyện thì sự học mới có thể được nâng cao tốt hơn. Trong gần năm năm qua, khóa học này đã tạo nhiều cơ hội để tôi có thể kiểm nghiệm lại các giả thuyết và xem xét những trải nghiệm mà tôi có được từ công việc của mình, và những điều tiếp thu từ khóa học đã trở thành một thứ cẩm nang hướng dẫn cho tôi khi tác nghiệp.
2.
Phần tiếp theo sau đây tôi sẽ dành cho việc trình bày trường hợp lâm sàng của một người nghiện mà tôi đã làm việc với tư cách một chuyên viên tham vấn tâm lý trong trung tâm cai nghiện nơi tôi đã công tác.
Tôi gặp cô ấy lần đầu tiên vào một ngày trong tháng 11-2004. Thanh (tên thật của cô đã được thay đổi) 25 tuổi khi cô nhập viện vào trung tâm lần này. Tôi không biết được từ trước nay cô đã có bao nhiêu lần vào viện để điều trị cắt cơn, nhưng cô bảo với tôi rằng đây là lần thứ ba cô vào điều trị trong một trung tâm ở Việt Nam và là lần đầu tiên trong trung tâm của chúng tôi. Những lần cắt cơn trước đây đều được thực hiện ở nước ngoài, bởi vì Thanh đã rời khỏi Việt Nam khi cô mới chỉ một tuổi và đã bắt đầu nghiện heroin ở tuổi 15. Cho đến lúc gặp tôi, cô đã ở trong trung tâm được khoảng 3 tháng.  Trước buổi gặp ấy, tôi được nghe kể về Thanh như là một học viên có tính tự cao, hay đòi hỏi và rất khó bảo. Vì thế, nhiều nhân viên trong trung tâm như các bảo vệ, bác sĩ, điều dưỡng, giáo dục viên, giáo viên dạy nghề... thường khó có thể có được “sự hợp tác” của cô, ngay cả các học viên khác trong trung tâm cũng khó làm thân được với cô. Dường như cô chỉ có một người bạn – một học viên nam cùng tuổi và đó có lẽ là người duy nhất có thể hiểu những gì mà cô tâm sự. Thông qua người học viên nam ấy, cô báo cho tôi biết rằng cô muốn gặp tôi.
Thanh có một tuổi thơ không hạnh phúc. Ra đời năm 1979, cô đã phải theo gia đình vượt biên ra nước ngoài lúc chỉ mới có một tuổi. Gia đình cô được chấp thuận định cư tại Úc, nhưng chỉ hai năm sau, bố mẹ cô ly hôn. Kể từ thời điểm ấy, nhiều sự kiện đã xảy đến và hầu như đã làm xáo trộn cả cuộc đời của cô. Dĩ nhiên khi bố mẹ ly hôn, cô phải chia tay bố và về sống với mẹ.
Cả bố và mẹ cô đều là bác sĩ. Trong ký ức lờ mờ, cô nhớ rằng cha cô là một người đàn ông vũ phu. Ông cưới mẹ Thanh sau khi người chồng trước của bà rời bỏ Việt Nam vào năm 1975. Ông thường đánh đập mẹ Thanh và đôi khi đánh cả đứa con gái bé nhỏ của ông. Theo lời Thanh, có lẽ đó là do “lỗi” của mẹ cô, nghe như thể mẹ cô đã làm điều gì đó sai trái với bố cô vậy (?). Sau khi ly dị năm 1982, ông tiếp tục ở lại Úc; vài năm sau, ông tái hôn và có thêm hai con với người vợ kế. Thỉnh thoảng ông có liên lạc với Thanh và khi Thanh trở nên nghiện ngập, ông đã chu cấp một phần các chi phí cho việc điều trị của Thanh.
Mẹ Thanh đã từng có một con trai với người chồng trước. Khi người chồng rời Việt Nam năm 1975, đứa con trai của họ mới chỉ vài tháng tuổi. Đứa bé này sau đó được gửi nuôi ở nhà người dì (chị của mẹ) khi người mẹ kết hôn lần thứ hai với người mà sau này là cha ruột của Thanh và cậu bé vẫn tiếp tục sống với dì sau khi gia đình của Thanh đi ra nước ngoài. Vào năm 1986, đứa bé trai ấy được 11 tuổi và cậu được chấp thuận sang định cư ở Úc theo diện đoàn tụ với mẹ. Mẹ Thanh lúc ấy đã kết hôn lần thứ ba, lần này là với một người Úc. Vào thời điểm ấy, Thanh vừa tròn 7 tuổi và bốn người – mẹ Thanh, Thanh, người anh cùng mẹ khác cha của Thanh và “bố Úc” (theo cách gọi của Thanh, để phân biệt với “bố Việt” tức là người cha ruột) cùng sống chung với nhau. Hai năm sau, cậu bé trai 13 tuổi này bị bắt vì có liên can đến những vụ buôn lậu ma túy. Cảnh sát đã đến nhà cậu (thực ra là nhà của “bố Úc”) và bắt cậu đưa vào trại giam. Sự kiện này được nhìn nhận như là một mất mát lớn cho cả người mẹ lẫn Thanh, bởi vì cả hai người đếu rất thương yêu cậu bé. Tuy nhiên, người “bố Úc” đã nổi giận, ông quy trách nhiệm cho mẹ Thanh đã để cho con trai mình sa vào con đường tội lỗi, nhất là khi sự việc bắt giữ của cảnh sát đã xảy ra ngay bên trong nhà của ông. Một vài năm sau, hai mẹ con Thanh rời Úc sang định cư ở Hoa Kỳ để đoàn tụ với gia đình bên ngoại lúc này đang cùng chung sống tại đó.
Về phần người “bố Úc”, có thể nói ông là một con người rất tốt bụng. Ông cưới mẹ Thanh, rồi chấp nhận nuôi Thanh và xem Thanh như con ruột của mình. Ông làm việc cho một tổ chức của Liên Hiệp Quốc (có lẽ phụ trách về người tỵ nạn?). Thanh đã từng có một quãng thời gian sống rất tươi đẹp bên cạnh “bố Úc”. Khi Thanh còn nhỏ, ông đã nhiều lần đưa cô theo ông ra nước ngoài trong những chuyến công tác của ông. Nhờ thế, Thanh đã từng đến nhiều quốc gia như Kampuchia, Bosnia, Malaysia, Indonesia... bất cứ nơi nào có xảy ra chiến tranh, bất ổn hoặc có người tỵ nạn. Ngoại trừ sự kiện người anh bị bắt giữ nói trên, mọi chuyện xảy ra trong thời gian ấy đều là những kỷ niệm đẹp đối với Thanh. Chính sự kiện này có lẽ đã phần nào khiến mối quan hệ giữa mẹ Thanh và “bố Úc” trở nên xấu đi. Và vì thế, lúc Thanh khoảng 10 tuổi, cô phải theo mẹ đến Mỹ để sống với gia đình ngoại và các dì. Thanh đã không kể cho tôi nghe về mối quan hệ sau đó giữa mẹ và “bố Úc”, nhưng rõ ràng là cô vẫn còn giữ liên lạc với ông bố người Úc mãi cho đến ngày cô vào điều trị tại trung tâm của chúng tôi.
Tại Mỹ, Thanh và mẹ sống chung với gia đình của một người dì. Người mẹ đã phải gánh chịu bao lời chỉ trích từ những người thân trong gia đình về tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời của bà. Khi Thanh 14 tuổi, mẹ cô mắc phải bệnh ung thư. Những tháng ngày cuối cùng trước khi mẹ mất là khoảng thời gian u tối nhất đối với Thanh. Cô đã ở bên cạnh giường để chăm sóc cho mẹ và đã chứng kiến những nỗi đau đớn, khổ sở của bà. Người mẹ đã phải dùng đến các thuốc gây nghiện để giúp làm giảm cơn đau và một lần nọ, bà đã cay đắng nói với Thanh rằng bà muốn dùng những loại thuốc kia để giết chết Thanh rồi tự sát đi cho xong. Sau khi mẹ mất, cuộc sống của Thanh gần như bị mất phương hướng. Gần một năm sau, cô bị lạm dụng tình dục bởi chính con trai của người dì ruột. Và cũng vào năm đó, lúc tuổi đời chỉ mới 15, Thanh bắt đầu sử dụng và nghiện heroin.
Tất cả những sự kiện nêu ra trên đây đã được Thanh kể cho tôi nghe trong khoảng thời gian một tiếng rưỡi vào buổi đầu tiên tôi tiếp xúc với cô trong trung tâm cai nghiện. Phì phèo điếu thuốc lá trên môi, cô nói bằng một chất giọng vô cảm khiến cho rất khó có thể biết được cô đang thực sự cảm thấy như thế nào. Cô liệt kê ra tất cả những mất mát mà cô đã gặp phải trong đời theo thứ tự thời gian: “Em mất quê hương lúc một tuổi; mất cha lúc ba tuổi; mất anh trai (cùng mẹ khác cha) lúc chín tuổi; mất mẹ lúc 14 tuổi và mất bản thân mình lúc 15 tuổi”. Cô nói cô không biết mình là ai, sinh ra để làm gì, từ đâu tới và rồi sẽ đi về đâu... Cô dùng từ tiếng Anh identity crisis (khủng hoảng bản sắc) để nói về giai đoạn tuổi vị thành niên của mình. Và sau cùng, cô cám ơn tôi đã gặp và lắng nghe cô nói.
Sau lần gặp đầu tiên ấy, Thanh không tìm cách gặp riêng tôi thêm lần nào nữa. Tất cả những chuyện khác mà tôi biết được về cô là do nghe được từ lời kể của những nhân viên trong trung tâm. Tôi biết Thanh có một người cô (em gái của bố ruột) vẫn còn sống tại Tp.HCM. Tiền chu cấp của “bố Việt” lẫn “bố Úc” đều được chuyển về cho người cô này và người con trai của bà (anh họ của Thanh), những người đóng vai trò trung gian liên lạc giữa Thanh và những người thân khác bên ngoài trung tâm. Đó cũng là lý do Thanh phải về Việt Nam để lo cho việc điều trị lâu dài của cô. Mỗi khi cô rời khỏi các trung tâm cai nghiện, cô sẽ làm công việc của một giáo viên dạy Anh văn, nhưng không ai biết được nơi cô làm việc.
Những hoạt động trong trung tâm dường như có tác dụng làm nên những thay đổi nơi cô. Sau nhiều tháng, cô tham gia vào các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật (vẽ, múa, hát...) và tham gia lao động. Cô tham dự những buổi trị liệu nhóm do các giáo dục viên đảm nhận và sau một năm cô đã trở thành một người tập Thái cực quyền tốt đến mức ban giám đốc trung tâm quyết định cho cô làm người trợ giảng cho huấn luyện viên trong các buổi tập. Cô rời trung tâm vào cuối năm 2005.
3.
Chỉ một hoặc hai tháng sau khi Thanh rời trung tâm thì cô nhập viện trở lại. Lần này, cô được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng gần như hôn mê. Cô được phát hiện sau khi đã tiêm quá liều heroin. Mất khoảng 10 ngày để các nhân viên y tế có thể giúp cô hồi phục. Một buổi sáng nọ, cô tìm gặp tôi, khóc và nhờ giúp đỡ. Cô không đồng ý với quyết định của gia đình về thời gian mà cô phải ở lại điều trị tại trung tâm lần này. Cô bảo rằng lần sử dụng heroin vừa rồi không phải vì cô tái nghiện, mà thực sự là một cố gắng để tự sát.
Sau khi rời trung tâm về nhà, Thanh đã đăng ký vào một khóa tập huấn về kỹ năng dạy tiếng Anh. Khi khóa học gần đến ngày kết thúc, cô đã suy nghĩ về ngày bế giảng và mơ ước có sự hiện diện của người cha ruột – “bố Việt” – vào cái ngày đặc biệt ấy, mặc dù “bố Úc” đã chắc chắn với cô rằng ông sẽ đến. Hy vọng thế, cô đã gọi một cuộc điện thoại sang Úc để nói chuyện với bố. Thật bất ngờ, người bố từ chối. Ông bảo rằng ông quá bận không thể về Việt Nam vào những ngày này. Và thình lình, ở đầu dây bên kia, vang lên giọng nói của người mẹ kế với đủ mọi lời lẽ sỉ vả. Người mẹ kế yêu cầu Thanh đừng nên tiếp xúc với chồng bà và không cho phép Thanh “quấy rầy” gia đình của bà nữa.
Những gì xảy ra sau cuộc nói chuyện thì mọi người đã biết. Thế nhưng ý kiến của những nhân viên trong trung tâm về việc đó thì khá là khác nhau. Hầu hết mọi người đều tin rằng Thanh đã tái nghiện vì thế cô phải trở lại từ đầu chương trình điều trị một lần nữa. Một số người khác (ít hơn), bao gồm cả tôi, cho rằng cần phải giúp Thanh vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại và cô không nhất thiết phải ở lại lâu dài trong trung tâm trừ khi chính cô quyết định như thế. Tôi thực hiện một số buổi tham vấn với Thanh, mỗi một hoặc hai ngày một lần. Tuy nhiên, sự từ chối của những người thân không đến trung tâm thăm viếng cô (kể cả “bố Úc” lúc ấy đã có mặt trong thành phố) đã làm cho tâm trạng của cô ngày càng xấu đi. Còn ban giám đốc trung tâm thì đến lúc đó vẫn chưa có một quyết định nào về trường hợp của Thanh.
Tôi quyết định mang vấn đề của cô ra cuộc họp của các giáo dục viên vào ngày thứ sáu của tuần lễ ấy. Như thường lệ vào những cuộc họp chuyên môn của các nhân viên giáo dục mỗi thứ sáu hằng tuần, tôi có trách nhiệm phải tập huấn chuyên môn hoặc giám sát công việc của các giáo dục viên trong trung tâm. Nhiều người trong số họ không có ấn tượng tốt về Thanh, một học viên mà họ cho là “khó tiếp cận”. Tôi thiết kế một “kịch bản” về một trường hợp giả định nhằm mục đích huấn luyện. Các chất liệu từ trường hợp của Thanh được sử dụng để thiết kế kịch bản ấy. Tôi nói với các nhân viên rằng tôi cần sự giúp đỡ của họ để có thể giải quyết những khó khăn mà tôi gặp phải trong ca này. Tôi nói cách tốt nhất mà họ có thể giúp tôi là họ hãy tham gia vào hoạt động sắm vai cùng với tôi. Tôi đóng vai người cha của một học viên nữ đang ở trong trung tâm (với tình huống giả định có những chi tiết tương tự như trường hợp của Thanh). Các giáo dục viên có thể thay phiên nhau từng người sắm vai một nhân viên chịu trách nhiệm tiếp người cha ghé đến trung tâm để nói chuyện về tình hình của con gái ông. Trong dự định của tôi, cuộc sắm vai này có thể được thực hiện để đồng thời nhắm đến hai mục đích. Trước tiên, tôi muốn tạo một cơ hội cho các giáo dục viên có được “cái nhìn từ một góc độ khác” từ đó họ có thể hiểu hơn về suy nghĩ của những người khác, cụ thể trong tình huống này là suy nghĩ của người nữ học viên, của người cha, và có thể là cả những suy nghĩ của tôi nữa. Mục đích thứ hai là tôi cũng thực sự muốn biết được một người cha trong tình huống ấy sẽ suy nghĩ gì và cảm thấy thế nào, cũng như liệu những người khác sẽ trông đợi gì ở một người cha trong tình huống tương tự như trường hợp của Thanh. Trong cuộc sắm vai, tôi hợp nhất “hai người cha thật” của Thanh ở ngoài đời thành một người cha giả định, mà vai của người cha tưởng tượng ấy do tôi đảm nhận.
Cuộc sắm vai đã mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho tất cả những người dự họp. Các giáo dục viên tham gia sắm vai đều nhận ra được những mối bận tâm cũng như những vấn đề khó khăn của người cha, họ đồng ý cần phải giúp người nữ học viên kia hồi phục về sức khỏe thể chất và vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần. Một trong số những giáo dục viên tham gia sắm vai đã yêu cầu người cha ghé vào trung tâm thăm viếng và hỗ trợ tâm lý cho con gái mình. Một giáo dục viên khác khẳng định rằng người nữ học viên cũng phải tự có trách nhiệm với quá trình hồi phục của mình và phải tuân thủ những luật lệ của trung tâm nếu cô muốn người khác giúp đỡ cô. Tất cả những ý kiến được nêu ra trong cuộc sắm vai ấy đã giúp làm mọi việc trở nên rõ ràng hơn. Vào cuối cuộc họp, một số giáo dục viên nhận ra rằng trường hợp giả định mà tôi đưa ra đích thực là trường hợp của Thanh và họ đề nghị người trưởng bộ phận giáo dục hãy bàn bạc cách thức giải quyết vấn đề của Thanh. Vị trưởng bộ phận nói bà sẽ nói chuyện với ban giám đốc và sẽ có câu trả lời sớm.
Vài ngày sau, tôi tiếp tục làm việc với Thanh với nhịp độ và số buổi gặp thưa hơn tuần lễ trước. Thanh được kê đơn các thuốc chống trầm cảm và giải lo âu để góp phần cải thiện tâm trạng của cô. Ban giám đốc phân công một nhân viên tiếp xúc với gia đình của người cô và với “bố Úc”, yêu cầu họ đến thăm Thanh tại trung tâm để hỗ trợ tinh thần cho cô. Vài tuần sau, Thanh được yêu cầu tham gia vào các hoạt động của trung tâm, bắt đầu là các hoạt động âm nhạc, thể dục và lao động nhẹ. Chúng tôi thay đổi cách thức hỗ trợ tâm lý cho Thanh từ hình thức tham vấn cá nhân sang hình thức những sinh hoạt theo nhóm và giúp Thanh thiết lập lại quan hệ với những học viên khác. Ba tháng sau, Thanh được phép rời khỏi trung tâm.
Tôi đã gặp lại Thanh một lần sau đó vào năm 2007, ở một trung tâm cai nghiện tư nhân khác. Lúc gặp tôi, cô đã ở đó được vài tháng. Lần này thực sự là do cô tái nghiện. Không nghi ngờ gì nữa, việc phục hồi từ tình trạng nghiện ma túy là điều không phải dễ dàng, nhất là trong trường hợp của Thanh. Cô đã cười và chào khi gặp tôi. Tôi thấy cô đang tham gia vào một nhóm “tự giúp” được tổ chức trong khuôn khổ một dự án có tài trợ của nước ngoài. Những hoạt động trong nhóm này dựa trên các nguyên lý “Mười Hai Bước” tương tự như những nguyên lý của tổ chức N.A. (Tổ chức Những Người Nghiện Ma Túy Ẩn Danh) ở Mỹ. Và đó là lần sau cùng tôi gặp được Thanh tính cho đến nay.
4.
Liệu chúng ta có thể trông đợi điều gì ở Thanh – một cô gái có quá nhiều mất mát và đau buồn trong cuộc sống? Và bằng cách nào mà chúng ta có thể làm cho mọi việc trở nên tốt hơn trong trường hợp của cô? Tôi không biết. Tôi thực sự không biết. Tôi chỉ biết rằng cuộc sống thực sự không dễ dàng, nhưng chúng ta vẫn có khả năng. Đó chính là điều mà chúng ta gọi là “sức chịu đựng” ở những con người như Thanh.
Khi tôi viết bài viết này, khóa huấn luyện đầu tiên tại Việt Nam về trị liệu hệ thống đã gần như kết thúc. Thông qua làm việc với những thân chủ ngày này qua ngày khác, tôi thấy mình trở lại là một “thầy thuốc”, như thể tôi đã đi trên một đường vòng trở về lại nơi xuất phát, chỗ mà giờ đây có thể xem là nơi đến. Thực hành tâm lý trị liệu khiến nghề nghiệp của tôi trở nên có giá trị hơn, và giờ đây tôi đã có thể thực hành điều mình đã học.
Tôi nghĩ rằng việc tự hiểu bản thân cũng như hiểu được những gì mà người khác trải nghiệm là những điều rất quan trọng cho bất cứ ai muốn trở thành một nhà tâm lý trị liệu.
Và tôi cũng vậy.  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét