09 tháng 10 2011

Cơ thỂ đang lẮng nghe
liỆu ta có nói đúng thỨ ngôn ngỮ cỦa cơ thỂ?

Cử nhân Tâm lý lê thỊ hỒng thanh dịch

 
Đôi khi “triệu chứng” chính là một cách để thân chủ “lên tiếng”. Mỗi triệu chứng có thể mang những ý nghĩa có tính biểu tượng… và đôi khi triệu chứng là “cố gắng của bản thân trong việc tái lập lại trạng thái thăng bằng, nhưng bị thất bại”. Bài viết dưới đây có thể giúp ích cho chúng ta, những người đang học tập và thực hành tâm lý trị liệu, những người cần hiểu thứ ngôn ngữ mà thân chủ đang sử dụng, đồng thời cũng phải biết cách sử dụng thứ ngôn ngữ chữa trị để giúp thân chủ bình phục…
 
Dẫn nhập
Trong tâm lý trị liệu truyền thống, thứ ngôn ngữ ta dùng với thân chủ vẫn được dựa trên một khuôn mẫu có tính máy móc theo kiểu y khoa, đó là xem bệnh tật như một sự rối loạn chức năng, cần phải được chẩn đoán, khu trú lại và/hoặc loại bỏ đi để tái lập lại sức khoẻ và cuộc sống tốt. Chúng ta có khuynh hướng yêu cầu thân chủ mô tả vấn đề hoặc triệu chứng của họ như thể nó là một điều gì đó tách rời ra khỏi các trải nghiệm của họ. Cách tiếp cận trị liệu này được gọi là một loại trị liệu  theo “kiểu nhà binh" (Warrior Model), nó xem cơ thể về cơ bản là đã bị khiếm khuyết và do vậy cần được “cố định” lại để có thể chiến thắng được những sức mạnh của thiên nhiên. Nhà khoa học và các thầy thuốc trở thành những quân nhân chiến đấu chống lại sự ốm đau, cái chết, và cuối cùng là chống lại tính toàn thể của chính cơ thể con người (Miles, 2005).
Trái ngược lại, loại ngôn ngữ có tính chữa trị (healing language) lại có cách tiếp cận xem cơ thể như một hệ thống truyền tải thông tin và chấp nhận để một vài triệu chứng (về thể lý) là sự thể hiện tình trạng bị mất quân bình của cơ thể. Nhiều bệnh tật là sự cố gắng của cơ thể trong việc tìm cách chỉnh sửa lại sự mất quân bình ấy thông qua những biểu hiện về mặt cơ thể (tức là những triệu chứng). Các triệu chứng có thể được xem là hành động của một “người bạn” hơn là của “kẻ thù”. Một số triệu chứng còn là những tiến trình tự nhiên trong đó cơ thể đang cố gắng tái lập lại sự quân bình của nó (Page, 2002).

Lĩnh vực Tâm lý - Thần kinh - Miễn dịch học (PNI: psychoneuroimmunology) đem đến sự hiểu biết một cách minh bạch và khoa học về mối liên kết có tính truyền thông giữa tâm trí, não bộ và cơ thể. PNI vừa mở ra những cánh cửa giúp ta hiểu biết được bằng cách nào mà những trải nghiệm sống được chuyển đổi sang hình thức những đáp ứng trong hệ miễn dịch của chúng ta và dẫn đến một sự hiểu biết có tính khoa học về cách thức mà những trải nghiệm của chúng ta được bảo tồn và lưu giữ trong các hệ cơ quan trong cơ thể. Hiện nay, chúng ta hiểu biết nhiều hơn về cơ thể như là một hệ thống truyền thông và hiểu được rằng một số triệu chứng đã vận hành với chức năng truyền thông.
Có bằng chứng về khoa học cho thấy có một nhóm nhiều gene trong cơ thể có thể đáp ứng được với những trải nghiệm của chúng ta về môi trường sống xung quanh. Ngành khoa học mới này được gọi là ngành “gene học cơ năng” (functional genomics), và được định nghĩa như là cách thức mà "gene tự thể hiện chức năng và tương tác với các yếu tố liên quan đến sức khoẻ và bệnh tật - đó chính là cách thức mà hệ thống các gene được khởi hoạt hoặc bị bất hoạt để đáp ứng với những tín hiệu từ mọi bộ phận trong cơ thể cũng như những tín hiệu từ môi trường bên ngoài". Hầu hết các gene của chúng ta không phải là những tác nhân sinh học độc lập tạo nên những hành vi mà là những nhân tố năng động đáp ứng nhanh nhạy liên tục với những chỉ báo, những thách thức và những tình huống bất ngờ trong những trải nghiệm biến đổi từng ngày từng giờ của chúng ta (Rossi, 2002). Sự đáp ứng của cơ thể đối với những tín hiệu từ bên trong cũng như bên ngoài cơ thể có vai trò như là một đáp ứng có tính chữa trị hoặc có tính bảo vệ, tùy theo cách thức mà đương sự diễn giải ý nghĩa của những tín hiệu đến từ môi trường sống của mình. Richardson (2000) cho rằng có đến 90% số gene của chúng ta là có khả năng thích nghi và tự điều hòa để đáp ứng với những tín hiệu từ môi trường. Rossi (2004) có nói đến những biểu hiện của các “gene phụ thuộc hoạt động” (activity-dependent genes); đây là những gene đặc biệt có khả năng đáp ứng lại với những tín hiệu từ những hoàn cảnh sống về tâm lý xã hội và những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống. Những "trải nghiệm hoặc là những gene phụ thuộc hoạt động" này khởi động sự sinh tổng hợp các protein và tíến trình sinh trưởng neuron thần kinh trong não (neurogenesis) để mã hoá những ký ức, hành vi và tri thức mới và kích hoạt những đáp ứng tự chữa trị có tính bẩm sinh của cơ thể.

Điều hết sức quan trọng là cần phải
tiếp cận cơ thể như một hệ thống truyền thông, vì thế việc sử dụng ngôn ngữ chăm chữa là đồng vận với cơ chế chăm chữa vốn có của cơ thể. Ngành gene động học cho thấy đáp ứng có tính chữa lành của cơ thể chịu ảnh huởng rõ
ràng bởi các kích thích môi trường. Là những người trợ giúp, chúng ta phải hiểu biết về ngôn ngữ ta dùng nếu ta có ý định vận dụng khả năng đáp ứng chữa lành bẩm sinh của cơ thể như những nỗ lực trị liệu của chúng ta. Ngôn ngữ không chỉ là trải nghiệm được nhận thức. Ngôn ngữ là con đường biểu hiện một cách vật chất nội tâm của ta với người khác. Ngôn từ chúng ta sử dụng đóng một vai trò to lớn để tạo ảnh hưởng lên những trải nghiệm của người khác về cơ thể của họ. Ngôn ngữ là một thành phần cốt yếu của cơ cấu xã hội hoá mà toàn bộ hệ thống tâm sinh lý của ta đáp ứng một cách liên tục với nó.

Ngôn ngữ chữa trị không được trù định để loại bỏ những triệu chứng cơ thể, hơn thế, nó được thiết lập để chấp nhận sự thể hiện của triệu chứng như thành phần của toàn bộ hệ truyền thông của cơ thể, do vậy đem tới cơ hội để triệu chứng biểu hiện ra cách thức chữa trị của chính nó. Khái niệm “ngôn ngữ sáng tỏ” (clean language) được thiết lập như một công cụ giúp thân chủ "lên tiếng" thông qua triệu chứng cơ thể của họ. (Grove & Panze, 1989; Lawley & Tompkins, 2000)

Khi các triệu chứng không đáp lại việc điều trị
Có một nhóm các rối loạn không thể đáp ứng lại với những phuơng thức điều trị truyền thống. Đó là: hội chứng nhu động ruột, tăng huyết áp, ung nhọt, những kiểu phát ban da, đau nửa đầu, đau kinh niên, viêm đại tràng, hội chứng đau lan tỏa trong cơ, dây chằng, khớp (thường ở phụ nữ nhiều hơn nam giới), trầm cảm, lo âu và rối loạn stress sau sang chấn. Những rối loạn này thường bị gây ra hoặc/và bị làm cho trầm trọng hơn bởi cái gọi là "rối loạn khả năng điều hòa của hệ thần kinh thực vật" (autonomic dysregulation). Sau khi một cá nhân trải nghiệm một nguy cơ căng thẳng đến mức không thể chống trả hoặc giảm các kháng cự phù hợp, hệ thần kinh thực vật không chấp nhận trở lại với trạng cân bằng. Do đó hệ thần kinh giao cảm vẫn thường xuyên trong trạng thái báo động vì đuờng phản hồi về sự tiêu cực (từ phần vỏ não) không được hoàn tất (đường phản hồi này có chức năng báo cho hồi hải mã ở vùng dưới vỏ rằng nguy hiểm đã qua). Ở mức dưới vỏ, tình trạng báo động của cơ thể vẫn luôn luôn ở trạng thái hoạt động.

Những triệu chứng liên quan tới rối loạn điều chỉnh thần kinh thực vật sẽ tái xuất hiện và/hoặc được phóng đại khi có những tình huống cá nhân căng thẳng giống như nguy cơ căng thẳng ban đầu. Điều này là kiểu phản ứng mồi lửa (kindling response).

Mỗi rối loạn thể hiện một nỗ lực của cơ thể để truyền đạt nỗi đau đớn của nó và cái cách thức mà cơ thể cần được chữa lành và có thể sống tốt, nhưng lại thường không tuân theo những cách trị liệu truyền thống. Những rối loạn này cố gắng lập lại một giá trị truyền thông chứ không phải một giá trị cơ học, và cần được đáp ứng theo cách như vậy.
Những cách trị liệu tập trung làm giảm sự rối loạn khả năng điều chỉnh của hệ thần kinh thực vật thậm chí còn không ảnh hưởng được tới đáp ứng có tính chữa lành của cá nhân hơn là những điều trị tập trung để làm câm lặng triệu chứng của các rối loạn.

Truớc khi trị liệu thành công được những rối loạn này, những nhà trị liệu chuyên nghiệp trước hết cần cung cấp cho cá nhân một nơi chốn để họ biểu hiện một cách tự nhiên triệu chứng của họ. Việc trị liệu theo truyền thống trước đây đã chống lại những lợi ích tiềm năng của chính việc trị liệu trước khi hiệu lực hóa cơ chế truyền thông biểu hiện qua triệu chứng. Những kiểu trị liệu tập trung làm câm lặng các biểu hiện của cơ thể (ví dụ các triệu chứng) sẽ loại bỏ nguồn lực chữa lành quý giá mà chúng có ngay trong các triệu chứng. Các triệu chứng có thể coi như cách mà cơ thể biểu hiện nó cần gì để phục hồi, do đó chúng ta cần phải tạm bỏ qua hết vốn hiểu biết về lâm sàng của chúng ta lại và đi vào thế giới trải nghiệm của thân chủ - cái thế giới mà từ đó biểu hiện ra những triệu chứng. Việc điều đình với một triệu chứng chỉ được cơ thể nhận biết như sự cố gắng làm nó yên lặng, do đó lại càng khuyến khích triệu chứng tồn tại.
Khi những triệu chứng vẫn đeo đuổi lấy đa số các nỗ lực trị liệu, chúng thể hiện rằng sự đáp ứng của cơ thể đang bị làm câm lặng hơn là đang được nghe thấy. Các triệu chứng sẽ cố thủ ở đó cho tới khi nào giá trị truyền thông của nó được phép biểu hiện và được hiểu.

Việc làm yên triệu chứng

Sự trị liệu dựa trên nền tảng cố gắng làm yên cơ thể sẽ thường làm trầm trọng thêm rối loạn có tính thực thể. Việc làm câm lặng các đáp ứng bình thường của cơ thể với một sự kiện gây stress sẽ mã hóa sự kiện theo một kiểu cách tâm-sinh lý cứng nhắc, tạo điều kiện cho sự gia tăng thêm các triệu chứng cơ thể. Rossi (1993) đoan chắc rằng đó là kiểu rối loạn kép có tính tâm-sinh lý khi các sự kiện thương tổn mã hóa ở trong sốc và stress, như vậy nó đồng thời ngăn cản sự chữa lành về mặt tâm sinh lý. Kết quả hiển nhiên là hành vi ứng phó bị suy yếu, điều này tạo ra nhiều kiểu hoạt động bất thường trong cơ thể được chẩn đoán như các vấn đề về tinh thần.

Khi các vấn đề hay triệu chứng quấy nhiễu thân chủ, đó là cách mà tâm trí và tạo hóa đang nỗ lực nhận thức triệu chứng đó và rồi hóa giải nó. Việc trị liệu nếu chỉ để làm giảm triệu chứng thì cũng chính là cách "giết chết sứ giả" (Rossi; 1990, 1993). Page (2002) nói rằng, nếu chúng ta có thể diễn dịch thông điệp của triệu chứng, chúng ta có thể hiểu nhiều hơn về một con người và về sự mất cân bằng mà họ đang trải qua. Trong tư tưởng đó, Levine nói tiếp, "Chúng (những triệu chứng) nảy sinh từ hàng tá tàn dư năng lượng chưa được tiêu thụ hết hoặc giải phóng ra; việc giữ những tàn dư bị mắc kẹt trong hệ thần kinh này có thể làm nguy hại cơ thể chúng ta… Năng lượng dư thừa này không chịu thoát đi một cách dễ dàng. Nó bám trụ trong cơ thể và thúc đẩy tạo nên một loạt các triệu chứng như: lo âu, trầm uất, và các vấn đề về hành vi và tâm thể" (1997, p.19-20).

Trước khi cơ chế tâm - thể lý của đáp ứng “chống trả hoặc bỏ chạy” (fight or flight) được vận hành, tâm trí vẫn nhận biết rằng nguy cơ còn tồn tại và không có khả năng điều ứng nó vào trong bộ nhớ như là một việc đã qua. Các phương thức trị liệu dựa trên bộ nhớ ngắn hạn và mối tuơng quan bằng lời nói sẽ không đạt đến những trải nghiệm được lưu giữ về mặt thể lý. Việc trị liệu cho những trải nghiệm đã được lưu trữ được bắt đầu giải quyết tốt qua ký ức vô thức dựa trên hệ thần kinh thực vật hoặc hệ cơ - thần kinh. Ngôn ngữ chữa trị phải đạt tới mức trải nghiệm để cho cơ thể được tự do biểu hiện.

Cơ thể đang lắng nghe - Liệu ta đang nói đúng thứ ngôn ngữ của nó?

Cơ thể có ngôn ngữ riêng để truyền thông thông qua những phân tử vành đai, các protein, màng tế bào và các gene. Những vật chất này tạo nên sự lưu chuyển ngôn ngữ và thông tin giữa các tế bào của cơ thể, điều đó tác động tới các tế bào để kích thích đáp ứng tăng trưởng cũng như đáp ứng phòng vệ. Lipton(2001) khi bàn về những protein nội bào đã tuyên bố "Có hai loại protein nội bào, loại thụ cảm và loại phản ứng. Các thụ cảm là những tế bào ở các giác quan như mắt, tai, mũi…" Ông tiếp tục, "Phức hệ protein nội bào điều khiển hành vi, và qua hiệu quả của nó trên những protein điều tiết, những phức hệ này cung cấp cho tế bào các nhận biết về môi trường thông qua cảm giác cơ thể…" Các tế bào, do đó, có cách nhận biết và đáp ứng riêng với tri giác của con người về các trải nghiệm đặc biệt. Ví dụ, nếu những tế bào của chúng ta nhận thấy môi trường có sự nguy hiểm chúng sẽ gửi những chỉ báo để cơ thể biểu hiện một đáp ứng phòng vệ tại tế bào. Kết quả là các nhân tố sinh trưởng và miễn dịch được thỏa hiệp, để tiến tới phá hủy các mô và chức năng của chúng.

Các tế bào đang kiên trì lắng nghe những chỉ báo từ môi truờng. Cách những chỉ báo được giải nghĩa sẽ quyết định những đáp ứng thích hợp của tế bào. Những nghiên cứu gần đây cho thấy gene người có tính thích nghi và đáp ứng phù hợp với môi trường.

Là những người chăm chữa, những nhà trị liệu cần thường xuyên đánh giá sự ảnh hưởng của ngôn ngữ của mình dựa trên việc vận hành các đáp ứng tâm lý - thể lý - tế bào của bệnh nhân. Ngôn ngữ của nhà trị liệu sẽ ảnh hưởng tới đáp ứng về gene/tế bào của bệnh nhân ngay cả khi cùng phối hợp với các nỗ lực chữa lành của cơ thể cũng như khi không ăn khớp với các nỗ lực đó. Cơ thể đang lắng nghe xem ta có đang nói cùng thứ ngôn ngữ với nó không.

Ngôn ngữ chữa trị: Điều ta nói sẽ tạo nên một khác biệt

Các triệu chứng thực thể mang ý nghĩa biểu tượng và cơ năng. Cần phải lắng nghe và công nhận điều cơ thể biểu hiện một cách tượng trưng qua các triệu chứng. Những cách chủ yếu để cắt triệu chứng tập trung vào việc chẩn đoán: định ra cái gì sai và đang vận hành không tốt. Khi đó, người ta phải chú ý rất nhiều tới yếu tố trí tuệ, nhận thức và các thông tin được cho là có giá trị từ thân chủ để có được ý nghĩa biểu tượng trong những trải nghiệm của thân chủ. Khi ứng dụng cơ chế này với khả năng truyền thông của triệu chứng thì lại có một sự lạc điệu giữa cái được chấp nhận để chữa trị và cái cần để chữa trị. Việc nhận ra sự khác biệt giữa một triệu chứng là sự rối loạn chức năng và một triệu chứng là cố gắng của cơ thể để truyền thông là rất quan trọng để điều trị cho phù hợp. Cho đến khi diễn ra sự thay đổi tiêu điểm từ tập trung vào một vấn đề tới tập trung vào một sự truyền thông, thì lúc đó chính triệu chứng là một phần làm nên quá trình chữa trị. Trước khi bắt đầu tiến trình trị liệu, chúng ta cần hiểu giá trị truyền thông trong triệu chứng của thân chủ. Chúng ta cần giao ước về phép ẩn dụ trong triệu chứng tâm thể của thân chủ là:
ý nghĩa quan trọng của triệu chứng nằm trong thế giới của chính thân chủ. Bằng việc lắng nghe cẩn trọng, nhà trị liệu thấy rằng sự mô tả triệu chứng của thân chủ nắm giữ đáp án cho việc chữa lành họ. Việc thu lượm tất cả các biểu hiện của triệu chứng cho phép người chăm chữa sử dụng sự truyền thông của triệu chứng cho tiến trình chữa trị. Nguồn lực dẫn đến bình phục là ở chỗ ta giao tiếp với một "cơ thể đang được lắng nghe hơn là đang bị làm câm lặng".

Việc dùng Ngôn ngữ Sáng tỏ là một cách đầy quyền năng để giúp thân chủ có thể truyền thông được hầu hết sự ẩn dụ mà các triệu chứng cơ thể biểu hiện. Đó cũng là một cách ảnh hưởng để truyền tới cơ thể thông điệp: cơ thể đang được lắng nghe chứ không phải bị làm câm lặng. Những dấu hiệu truyền thông kiểu này với cơ thể cho thấy môi trường là có nâng đỡ và an toàn, do vậy khuyến khích sự tăng trưởng và đáp ứng chữa lành được ghi nhận sớm hơn.

Ngôn ngữ sáng tỏ gần giống với cái mà Rossi đưa ra "Sự biến đổi ngầm có tính rút kinh nghiệm" (implicit processing heuristics). Làm rõ chủ đề này, tôi (tác giả bài này) đưa ra nghiên cứu của Grove và Panze (1989) từ lúc mà nghiên cứu đó của họ cung cấp một nền tảng tuyệt vời để học các kỹ năng thiết yếu làm thành "sự biến đổi ngầm có tính rút kinh nghiệm" của Rossi.

Việc chấp nhận ngôn ngữ sáng tỏ làm nền tảng là sự thách thức với những nhà trị liệu chuyên nghiệp, họ phải treo (ngưng lại) xu hướng lạm dụng kinh nghiệm của thân chủ về triệu chứng của họ vào việc giải nghĩa lâm sàng. Một cách truyền thống, nhà trị liệu vừa mới được huấn luyện để tiến gần tới sự truyền thông của thân chủ thường thấy những triệu chứng của thân chủ như một cơ hội để đánh giá và chẩn đoán, đó giống như sự lừa phỉnh thân chủ, vì nhà trị liệu đang dùng cái nhìn của cá nhân mình nhìn thế giới của thân chủ. Làm vậy cuối cùng sẽ làm chìm khuất các thông tin ẩn dụ mà những triệu chứng đưa ra. Bằng việc can thiệp vào những mô tả của thân chủ về triệu chứng, những nhà trị liệu "tốt" sẽ có thể tước đoạt khỏi thân chủ những kinh nghiệm rất cần thiết để hoá giải những triệu chứng của họ. Mục đích của ngôn ngữ sáng tỏ là cho phép thân chủ dùng hiểu biết của mình, dùng chính sự mã hoá có tính ẩn dụ của họ về các triệu chứng để biểu hiện triệu chứng đó.

Việc tiếp cận triệu chứng theo cách này làm mạnh thêm khả năng bình phục của thân chủ với các triệu chứng cơ thể và tâm lý có nguồn gốc từ việc cơ thể bị làm cho câm lặng. Mỗi triệu chứng cơ thể tự có một giải pháp đã mã hoá ở tầng sâu. Bằng việc lắng nghe sự biểu hiện của triệu chứng, thân chủ có thể làm cho việc chữa lành trở nên linh hoạt.
Họ có cơ hội trao cho triệu chứng của họ một tiếng nói. Trải nghiệm cơ thể đang được thông đạt trong cách này là một trong những điều diệu kỳ và mới lạ, vì nó kích thích sự phát triển của các dây thần kinh – để tạo ra những hành vi, những tri thức và những ký ức mới.

Khi thực hiện cách tiếp cận này, nhà trị liệu đã chính thức hóa cách biểu hiện thế giới của thân chủ và tạo thuận tiện để mở ra những phương án đã được mã hoá trong ngôn ngữ và trải nghiệm của họ về thế giới này.
Ngôn ngữ sáng tỏ là là loại ngôn ngữ dùng để nói với những trải nghiệm chân thực nơi thân chủ chứ không phải là thể hiện sự chẩn đoán và đánh giá của nhà trị liệu.

Theo như vậy, ngôn ngữ sáng tỏ có những câu hỏi dùng cho 3 mục đích: (1) Thông tin về đặc tính của triệu chứng; (2) Thông tin về sự khu trú của triệu chứng; và (3) Những câu hỏi tham chiếu triệu chứng trong quá khứ và tương lai (tính từ hiện tại nhận thức của thân chủ). Kiểu câu hỏi cuối cùng cho phép thân chủ tạo ra bất kỳ sự khác biệt, nhưng cần thiết, về ý nghĩa biểu tượng. Chú ý rằng mỗi câu hỏi bắt đầu với từ "và", "rồi", "vậy là"… thường bị bỏ quên. Có 9 dạng câu hỏi trong ngôn ngữ sáng tỏ:

1. Hỏi về 1 ẩn dụ:

Và … X thì giống điều gì?

2. Hỏi về đặc điểm của triệu chứng:

Rồi … cái kiểu của X có phải là X kia?

3. Hỏi về khu trú:

Vậy …X nằm (biểu hiện) ở đâu?

4. Hỏi về mối quan hệ:

a. Và…có 1 quan hệ giữa … và… không?

b. Còn… khi… điều gì xảy ra với X?

5. Về thời gian tới:

a. Và rồi cái gì xảy ra?

b. Cái gì xảy ra tiếp theo?

6. Về thời gian trước:

a. Và… cái gì đã xảy ra kể từ trước X?

b. Rồi…X có thể bắt nguồn từ chỗ nào?

7. Hỏi về kết quả mong muốn:

Vậy… cái gì X muốn phải xảy ra?

8. Hỏi về những điều kiện cần thiết:

Và cái gì cần cho X xảy ra/ xảy ra với X?

9. Đưa ra một kết mở để bệnh nhân thêm vào bất kỳ cái gì khác

Vậy… có gì khác về X nữa?

Bên dưới đây có 1 ví dụ lâm sàng về việc làm sao Ngôn ngữ Sáng tỏ vận hành như một tổ hợp của nhiều nét cảnh lâm sàng:

Mary tới gặp tôi vì bận tâm với một bệnh cơ thể. Cô chịu đựng bệnh đau thắt lưng kinh niên đã nhiều năm và chưa trải nghiệm lợi lộc gì từ các điều trị cô đã trải qua. Tôi đã làm việc với Mary trong buổi đầu tiên để giúp đem tới cho cô 1 cơ hội biểu hiện đầy đủ những triệu chứng ngoan cố của cô. Sự miêu tả này chỉ là một phần nhỏ của buổi đầu tiên đó.

Thân chủ: Tôi cảm thấy nỗi đau này ở lưng mình.

Nhà trị liệu: Và cô luôn cảm thấy nỗi đau này ở lưng cô. Thế khi cô cảm thấy
nỗi đau này ở lưng, nỗi đau này là kiểu đau nào? (hỏi về ẩn dụ)

Tc: Nó là 1 kiểu đau bỏng rát.

Ntl: Vậy nó là 1 kiểu đau bỏng rát. Thế kiểu đau bỏng rát này ở chỗ nào? (hỏi khu trú)

Tc: Nó ở thắt lưng tôi, ngay ở đây. Nhưng đôi khi nó di chuyển ra xung quanh.
Ntl: Vậy nó ở thắt lưng cô, ngay đây (lặp lại điệu bộ chỉ tay của thân chủ). Nhưng đôi khi nó di chuyển ra xung quanh. Và khi nó di chuyển ra xung quanh, nó đi tới đâu? (hỏi khu trú)

Tc: Nó có vẻ tới chỗ thấp hơn.

Ntl: Nó có vẻ tới chỗ thấp hơn. Rồi điều gì xảy ra? (hướng về thời gian sau đó)

Tc: Tôi tránh né khỏi mọi người.

Ntl: Và cô tránh né khỏi mọi người. Kiểu tránh né đó thuộc dạng tránh né nào? (hỏi về ẩn dụ)

Tc: Tôi thấy nhỏ bé và đơn độc.

Ntl: Vậy là cô thấy nhỏ bé và đơn độc. Thế cô cảm thấy cảm giác nhỏ bé và đơn độc này ở đâu? (hỏi khu trú)

Tc: Ngay trong trái tim tôi.

Ntl: Cô thấy cảm giác nhỏ bé và đơn độc này ngay ở trong trái tim cô (lặp lại điệu bộ của thân chủ). Vậy cảm giác về sự nhỏ bé và đơn độc trong trái tim cô tới từ đâu? (hướng về thời gian trước đó)

Tc: Tôi đã cảm thấy điều này mọi lúc như là một đứa trẻ vậy. Như thể không được ai quan tâm và không ai muốn lắng nghe tôi.

Ntl: Vậy cô đã cảm thấy điều đó như một đứa trẻ. Và cô đã thấy như là không được ai quan tâm và không ai muốn lắng nghe cô. Rồi có còn điều gì nữa về điều cô đã cảm thấy như một đứa bé?

Tc: Tức giận.

Buổi đầu tiên đã kết thúc, Mary đã bắt đầu để nỗi đau ở lưng cô được nhận thấy một cách không che đậy. "Lưng tôi chưa từng cảm nhận điều tốt này trong nhiều năm qua. Có vẻ như cuối cùng ai đó đã lắng nghe tôi."

Tôi tiếp tục vòng lại qua những biến thể của 9 kiểu câu hỏi cơ bản trong buổi làm việc, phác họa ra cho cô ấy ngày càng nhiều những trải nghiệm của cô về triệu chứng của mình và đó là đang đưa một tiếng nói cho triệu chứng mà nó đã bị câm lặng quá nhiều năm.

Cách lắng nghe triệu chứng này như một xa lộ thông tin để việc trị liệu tập trung giúp thân chủ tăng lên sự biểu hiện rõ ràng hơn về triệu chứng từ thế giới của họ. Không có sự phán đoán, chỉ đạo hay dạy dỗ nào cả. Vì triệu chứng đã được đưa cho một tiếng nói để phát biểu, nó cho thấy nó cần làm vậy để thuyên giảm triệu chứng. Mary có thể tiếp tục tác động tới tâm điểm của cái mà bệnh đau lưng của cô đang cố biểu hiện.

Vì thân chủ được phép trình bày những triệu chứng của họ bằng chính từ ngữ và ngôn ngữ của họ, các nhà trị liệu bắt đầu phát triển một phương sách về thông tin và ngôn từ giúp họ có thể đưa việc chăm chữa của mình tiến gần tới với thân chủ. Ví dụ về thôi miên, là một phương pháp đầy quyền năng để sử dụng ngôn ngữ của thân chhủ trong suốt quá trình thôi miên như đã được chứng minh trong cách thức mà Rossi đưa ra trong "Những cải biến thử sai ngầm ẩn". Nhưng nhà trị liệu cần giao tiếp trực tiếp với những triệu chứng của thân chủ, với chính ngôn ngữ của thân chủ, hơn là phát triển ngôn ngữ thôi miên được đặt trên toàn bộ hiểu biết biết lâm sàng của nhà trị liệu.

Khi câu chuyện của thân chủ được lắng nghe và đựơc hiểu, thân chủ không bị giới hạn để biểu đạt nỗi đau cơ thể của họ qua triệu chứng nữa. Thân chủ có thể đi tới một vốn sống tuyệt vời hơn để mở mang trải nghịêm sống khỏe của họ. Việc sử dụng "ngôn ngữ sáng tỏ" là một cách hiệu lực tạo nên môi trường an toàn và có nâng đỡ, từ đó làm thuận lợi cho việc chữa trị có tính phối hợp cả về tâm lý - thể lý - hệ gen và tạo một sự bảo hộ tạo điều kiện cho bất kỳ can thiệp trị liệu nào sau đó.

Kết luận.

Khi thân chủ tới gặp nhà trị liệu để được chữa trị, họ muốn được lắng nghe và có một cơ hội kể về những câu chuyện của họ. Nếu một cá nhân có một trải nghiệm đặc biệt bị dập tắt, những dấu vết còn lại về trải nghiệm đó được dồn ép vào những tế bào, những dây thần kinh và những mô của cơ thể.
Triệu chứng trở thành phương tiện biểu lộ của trải nghiệm có đặc trưng thể lý. Triệu chứng là một minh chứng về cách mà nguồn năng lượng của trải nghiệm có đặc trưng thể lý bị biến chuyển thành năng lượng để triệu chứng tồn tại.

Nhà trị liệu phải giúp đem các nguồn lực của thân chủ vào quá trình chữa trị. Họ có thể làm điều này bằng việc giữ cho mình tránh áp đặt những cách thức trị liệu của họ vào thân chủ, để rồi chấp nhận để cho triệu chứng của thân chủ có tiếng nói và giúp "tiếng nói" ấy thể hiện thay vì đã bị làm cho câm lặng trước đó. Cách thức một người sử dụng ngôn ngữ đóng một vai trò không thể thiếu trong việc mở ra xa lộ thông tin để triệu chứng có thể biểu hiện và rồi tiêu biến đi...

Tác giả

Thomas Roberts, LCSW, LMFT, là một nhà trị liệu và thôi miên làm việc tư ở Onalaska, Wisconsin. Ông có các chứng nhận về tư cách của người làm lâm sàng xã hội độc lập và người trị liệu hôn nhân gia đình. Ông cũng là uỷ viên của Ủy ban các nhà thực hành thôi miên quốc gia và Hiệp hội Y khoa Mỹ và là một chuyên viên của Liên đoàn trị liệu Mỹ. Ông cũng được công nhận như một nhà tham vấn về bệnh nghiện trong vùng Wisconsin. Roberts đã có hơn 25 năm thực hành về trị liệu và thôi miên với đóng góp quan trọng cho sự phát triển và xuất hiện của Liệu pháp chữa bệnh bằng thôi miên qua cảm giác cơ thể giúp chữa lành tâm - thể. Ông đã có nhiều bài giới thiệu về sự tiếp cận của mình xuất bản trên các báo và cũng có các khóa huấn luyện và hội thảo tại các cấp vùng, địa phương và quốc gia. Bạn đọc có thể viếng thăm webside của ông tại www.innerchg.com.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét