16 tháng 10 2011

Lý thuyẾt riêng cỦa bẢn thân vỀ hành vi con ngưỜi

BS NguyỄn Minh TiẾn


Việc hiểu biết bản chất của các mối quan hệ hỗ trợ, vai trò và những thuộc tính đặc trưng của một người hỗ trợ hiệu quả, cùng với việc hiểu biết và vận dụng những kỹ năng giao tiếp tốt sẽ có vai trò quan trọng trong việc thiết lập những mối quan hệ hỗ trợ. Trong khi đó, để có thể áp dụng tốt các chiến lược hỗ trợ (giai đọan II của tiến trình hỗ trợ), chúng ta cần nắm vững những học thuyết cơ bản về sự hỗ trợ. Tuy nhiên, trước khi đi vào tìm hiểu những học thuyết này, bản thân mỗi người hỗ trợ cũng cần xem xét, khám phá các giá trị, các nhu cầu mà từ đó góp phần tạo nên cái gọi là “học thuyết cá nhân” của bản thân từng người hỗ trợ. Việc hiểu “học thuyết riêng” về hành vi con người của bản thân mỗi người chúng ta là rất quan trọng, bởi vì chính nó sẽ ảnh hưởng lên việc bạn hiểu như thế nào về những học thuyết hỗ trợ được công bố chính thức về mặt khoa học, ảnh hưởng lên cách mà bạn có thể chấp nhận chúng hoặc phản bác chúng.

Mỗi người trong chúng ta đều có sẵn những quan điểm riêng, những ý kiến riêng có thể tạo nên một lý thuyết về hành vi của con người. Những niềm tin và quan điểm ấy vẫn mỗi ngày vận hành cuộc sống chúng ta. Lý thuyết riêng của mỗi người vẫn thực sự tồn tại và ảnh hưởng lên những hành động của chúng ta. Bất kể chúng ta có tự mình nhận ra sự hiện diện của chúng hay không, hoặc chúng ta có thể diễn đạt lại các lý thuyết ấy hay không, thì chúng vẫn có những ảnh hưởng lên trên hành động của chúng ta.
Lý thuyết riêng của mỗi người lại chịu ảnh hưởng bởi những nền tảng đạo đức, kinh tế xã hội, văn hóa và gia đình mà chúng ta đã hấp thụ từ trước đó, bởi những xu hướng giới, các yếu tố sinh học, những trải nghiệm trong quá khứ, sự tiếp xúc với các trường phái, xu hướng suy nghĩ khác nhau trong cuộc sống, cũng như từ các cơ hội mà chúng ta gặp phải trong đời và từ những con người mà chúng ta cùng sống, học tập và làm việc... Nhân cách và tính tình của chúng ta cũng có ảnh hưởng lên trên sự hình thành cái lý thuyết về nhân sinh riêng của chúng ta, cũng như sẽ ảnh hưởng lên trên khả năng tự nhận biết về bản thân chúng ta. Mỗi người trong chúng ta sẽ có thể nhận biết được lý thuyết về sự hỗ trợ của riêng mình khi chúng ta lưu tâm suy nghĩ về nó và khi chúng ta thăm dò các tình huống hỗ trợ xảy ra trong thực tế.
Bất kể lý thuyết riêng của chúng ta là như thế nào, chúng ta đều cần phải hiểu về nội dung của nó, bởi vì nó sẽ có ảnh hưởng lên trên những hành động và những phản ứng của chúng ta đối với những người mà chúng ta đang giúp đỡ. Cho đến khi chúng ta thừa nhận cái cơ sở lý thuyết của riêng mình là như thế nào, chúng ta mới có thể “giúp đỡ” người khác nhiều hơn, áp dụng các lý thuyết của bản thân mình tốt hơn để đáp ứng những nhu cầu của người khác.
Việc hiểu biết về hành vi của con người là điều rất quan trọng đối với tất cả những ai làm công việc liên quan đến con người. Thông qua học tập từ lý thuyết, từ kinh nghiệm làm việc, hoặc từ cả hai loại học tập ấy, người hỗ trợ (helpers) phải thường xuyên “đánh vật” với các đề tài như: nhân cách được hình thành và phát triển như thế nào, tại sao con người lại có những cách ứng xử như thế, đâu là động cơ thúc đẩy con người, làm thế nào để những động cơ ấy vận hành, con người suy nghĩ như thế nào, học tập như thế nào, tập thể có ảnh hưởng như thế nào trên hành vi của các cá nhân và làm thế nào để thay đổi hành vi của con người...
Chúng ta có tất cả những suy nghĩ về những chủ đề này, dẫu rằng trong cuộc sống thường ngày chúng ta không thể (hoặc ít khi) giải bày những suy nghĩ ấy ra dưới dạng những học thuyết. Tuy nhiên, những niềm tin của chúng ta về các mối quan hệ giữa người và người vẫn ảnh hưởng lên trên thái độ và hành vi của chúng ta khi quan hệ với những người khác. Những người làm công tác hỗ trợ nếu nhận biết được những niềm tin của chính họ và có ý thức trăn trở với những câu hỏi liên quan đến các chủ đề nêu trên thì sẽ có thể nhận biết được những ảnh hưởng từ nhân sinh quan của họ lên nhận thức, thái độ và hành vi của họ đối với những người mà họ giúp đỡ. Ví dụ, một người hỗ trợ mà bản thân tin rằng bằng cách thay đổi hành vi có thể dẫn đến thay đổi thái độ và cảm xúc, thì người ấy dễ có khuynh hướng lựa chọn các chiến lược hỗ trợ theo định hướng hành động (action-oriented) tập trung vào các thay đổi về hành vi, trong khi một người hỗ trợ tin rằng hành vi chỉ thay đổi khi con người phát triển được khả năng tự nhận biết về bản thân sẽ dễ chấp nhận việc áp dụng các kỹ thuật đối thọai bằng lời để phát triển khả năng “thấu hiểu” hoặc “nội thị” (insght). Tương tự, việc hiểu biết lý thuyết cơ bản về sự học tập cũng sẽ cho phép người hỗ trợ nhận biết và sử dụng một cách có ý thức những tiềm năng của chính bản thân mình như những khuôn mẫu (models) để vận dụng vào trong các mối quan hệ hỗ trợ.
Vì thế, sự hiểu biết các lý thuyết và vận dụng sự hiểu biết ấy là có tính thiết yếu cho việc chúng ta có thực hiện được sự hỗ trợ hiệu quả trong thực hành lâm sàng hay không. Tuy nhiên, mỗi người hỗ trợ nên xây dựng cho mình một phong cách hỗ trợ riêng sao cho phù hợp với lý thuyết riêng của mình và vẫn có thể hiệu quả theo cách thức riêng mà mình đã chọn.
Không may thay, thường thì vẫn có một chút gì đó không được hài hòa lắm giữa những gì mà một người hỗ trợ tin tưởng với những gì mà người ấy thực sự làm. Nếu nhận thức được rõ cái lý thuyết nhân sinh riêng của bản thân, chúng ta sẽ có thể thấy rõ cách thức mà chúng ta đang vận dụng những lý thuyết chính thức vào trong sự thực hành hỗ trợ mà chúng ta đang thực hiện. Để bắt đầu tìm hiểu những về những giả định trong lý thuyết riêng của mình, bạn hãy tự đặt ra những trả lời cho các câu hỏi sau đây:
1. Con người là gì? Họ tốt hay xấu? Họ sinh ra vốn đã tốt hay xấu chưa? Họ có thể tự kiểm sóat bản thân hay chịu sự kiểm sóat bởi một cái gì khác từ bên ngòai? Điều gì là động cơ thúc đẩy họ?
2. Bạn giải thích như thế nào về nam tính và nữ tính? Những khác biệt giữa nam và nữ có phải là do sinh học? Do các yếu tố xã hội? Do sự khác biệt về chủng tộc, đạo đức hay là do học tập mà có?
3. Con người học tập như thế nào? Có những phương thức học tập khác nhau hay không?
4. Nhân cách phát triển như thế nào? Nhân cách được định hình sẵn hay là do học tập? Các loại nhân cách khác nhau có thể phân biệt được dựa trên những biểu lộ bằng hành vi không?
5. Con người có thể thay đổi được không? Họ thay đổi như thế nào? Có tác nhân gì bên ngoài khiến họ thay đổi hay là sự thay đổi đã xuất phát từ bên trong con người?
6. Thế nào là sự lệch lạc về mặt xã hội? Ai là người quyết định một việc gì đó là lệch lạc hay không lệch lạc? Việc gì có thể làm hoặc nên làm đối với các lệch lạc ấy? Những hành vi nào (của bản thân và của người khác) mà bạn thấy có thể chấp nhận được và không thể chấp nhận được? Những hành ấy có lệch lạc không?
Hãy cố gắng trả lời những câu hỏi này bằng chính những ngôn từ của bạn, dựa trên khung tham chiếu của chính bạn. Bạn có thể ngạc nhiên nhận ra rằng lâu nay bạn đã có sẵn nhiều giải đáp cho các câu hỏi này rồi! Hãy so sánh chúng với sự trả lời của những người khác. Những trả lời của bạn không đúng mà cũng không sai, thậm chí chúng vẫn còn có thể thay đổi về sau nếu bạn vẫn tiếp tục học hỏi, tiếp tục nhận biết thêm những quan điểm và những cảm xúc của riêng bạn.
Bạn cởi mở như thế nào đối với những quan điểm khác biệt với bạn? Sự cởi mở có thể ảnh hưởng lên tính uyển chuyển và khả năng thích ứng của bạn, từ đó ảnh hưởng lên khả năng tiếp xúc làm việc của bạn với nhiều loại người khác nhau và khả năng cảm thấy thoải mái trong nhiều môi trường sống và làm việc khác nhau.
Sau khi khảo sát cái lý thuyết nhân sinh của bản thân, bạn có thể bắt đầu xem xét tổng quan các học thuyết chính yếu về sự hỗ trợ. Bạn có thể nhận thấy thấp thóang phần nào quan điểm nhân sinh của bạn trong những học thuyết ấy; bạn cũng sẽ nhận thấy có những phần lý thuyết bạn chấp nhận được và cũng có những phần lý thuyết bạn sẽ phản bác lại, không chấp nhận. Tuy nhiên, ý kiến riêng của bạn hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian và theo tiến trình học tập của chính bạn.     

0 nhận xét:

Đăng nhận xét