09 tháng 10 2011

PHÂN TÂM LÀ GÌ?
BS.Phan Thiệu Xuân Giang
TỔNG QUAN
Phân tâm (psychoanalysis) là một hệ thống tâm lý có nguồn gốc từ những khám phá của Sigmund Freud. Khởi đầu như là một phương pháp dùng để chữa trị một số rối loạn nhiễu tâm ( psychoneurotic disorders), rồi phân tâm trở thành nền tảng cho một học thuyết chung về tâm lý. Kiến thức xuất phát từ việc điều trị những bệnh nhân dẫn đến việc hiểu được về nghệ thuật, tôn giáo, tổ chức xã hội,sự phát triển của trẻ em và giáo dục. Ngoài ra, bằng cách giải thích được ảnh hưởng của các mong ước và cảm nhận có tính  vô thức trên sinh lý của cơ thể, phân tâm có thể giúp hiểu được và điều trị các bệnh lý tâm thể ( psychosomatic disorders).

Các khái niệm cơ bản:
Nói một cách cơ bản, phân tâm là một học thuyết tâm lý về sự xung đột. Theo tác giả Ernst Kris (1950) phân tâm có thể được định nghĩa như là bản chất của con người được xem xét thiên về xung đột. Phân tâm xem xét chức năng của tâm trí như là việc biểu lộ các lực xung đột. Một số các lực này có tính ý thức, còn lại đa số là vô thức. Là một hệ thống học thuyết tâm lý học, là một phương pháp trị liệu, phân tâm chú trọng đến tầm quan trọng của các lực vô thức trong đời sống tinh thần. Xung đột là một chiều kích không thể thay đổi được trong con người. Nó phản ánh vốn đối lập sẵn có trong bản chất hai mặt của con người đó là một động vật sinh học và một con người xã hội.  Trong những năm đầu đời, trẻ nhỏ phải được văn minh hoá , tiếp nhận và biến đổi theo nền văn hoá, trẻ phải  thống nhất và hoà hợp  được các lý tưởng, giá trị, các kềm chế, cấm kỵ trong xã hội của trẻ đang sống. Quá trình này chủ yếu và xuất hiện ngay trong chính gia đình. Sau 5 tuổi, các tổ chức có tính trang trọng hơn trong xã hội như trường học, nhà thờ…chiếm nhiều trách nhiệm hơn đối với việc tiếp nhận và biến đổi văn hoá của từng cá thể. Trong  quá trình phát triển, sự ấm ức, tức giận, thất vọng và xung đột là điều không thể tránh khỏi.
Tự khi khởi đầu, chức năng của tâm trí có liên quan đến các sự kiện trong cơ thể. Môn sinh lý học về cơ thể  là nền tảng cho các học thuyết tâm lý bao gồm cả phân tâm. Các đáp ứng cơ bản đối với các kích thích theo cách thích thú và đau đớn ( hay không thích) là phần có tính di truyền về sinh học của con người. Các đáp ứng này được xác định trong quá trình phát sinh loài, có ý nghĩa tiến hoá trong cuộc đấu tranh của loài nhằm để sinh tồn.  Một nguyên lý cơ bản của học thuyết phân tâm là tâm lý con người được điều khiển bởi một khuynh hướng nhằm tìm kiếm thú vui và tránh né đau đớn. Freud nói về điều này trong cuốn “ nguyên lý thú vui” ( Pleasure principle) ( Freud, 1911). Mặc dù nguyên lý này vận hành trong suốt cuộc đời nhưng nó rõ ràng và chủ yếu trong những năm đầu đời. Các kinh nghiệm sớm nhất về thú vui và đau đớn  ( hoặc có thể nói cách khác là thoả mãn và ấm ức) đóng một vai trò quan trọng trong việc gọt giũa  cấu trúc tâm lý của cá thể. Ảnh hưởng của các kinh nghiệm sớm nhất này gia tăng  khi trẻ ở tuổi nhũ nhi, bởi vì ngược lại so với những động vật khác, con người có thời gian phụ thuộc vào người lớn lâu dài hơn trong môi trường sống. Nếu không có được sự chăm sóc và quan tâm của người lớn, trẻ không thể sống sót. Yếu tố sinh học này cuối cùng đưa đến việc gắn bó sớm và lâu dài với người khác. Đây là một yếu tố đóng vai trò trung tâm trong bản chất con người.  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét